NHỮNG NGÀY Ở NHẬT

Những ngày ở Nhật với: Đường hầm xuyên biển Tokyo Bay Aqua Line, Nhật Bản; Thăm và làm việc với Công ty East Japan Railway; Vài nét kiến trúc ở thủ đô Tokyo Nhật Bản; Tọa đàm và giao lưu với các doanh nhân Nhật Bản; Những ngày tại Trung tâm Jica Tokyo Nhật Bản; Thăm và làm việc với Công ty Odakyu Electric Railway; Buổi trưa ở tỉnh Kanagawa Nhật Bản; Thăm và làm việc với Công ty Japan Airlines JAL; Thăm đền Yasukuni; Thăm Hoàng cung Nhật Bản; Tháp Tokyo Sky Tree; Ẩm thực và Lễ hội tại Nhật Bản; Thăm Nhà tưởng niệm Basho; Đến tượng Nữ thần Tự do tại vịnh Tokyo; Thăm đền thờ Minh Trị Thiên Hoàng; Chiêm bái chùa Sensoji; Trà xanh và văn hóa trà ở Nhật Bản; Lễ hội ở thủ đô Tokyo Nhật Bản; Chia tay Jica Tokyo, đến Jica Kyushu; Lớp Keieijuku khóa 1 Hải Phòng đến Jica Kyushu Nhật Bản; Sớm mai ở Jica Kyushu Nhật Bản; Giới thiệu chính sách của thành phố Kitakyushu thuộc tỉnh Fukuoka trên đảo Kyushu Nhật Bản; Giới thiệu về thành phố Kitakyushu Nhật Bản; Thăm và làm việc với Công ty Xà phòng Shabondama; Giới thiệu tỉnh Fukuoka Nhật Bản; Thăm và làm việc với Công ty Cổ phần Takagi; Buổi trưa ở tỉnh Fukuoka Nhật Bản; Thăm và làm việc với Ban quản lý dự án Kitakyushu Eco- Town; Những ngày ở Trung tâm Jica Kyushu Nhật Bản; Ẩn hiện sớm mai ở Jica Kyushu Nhật Bản; Thăm và làm việc với trường dạy nghề ôtô Ohara- Subaru; Tòa thành “Kokura”; Gặp gỡ với Thị trưởng Thành phố Kitakyushu; Một số hình ảnh kiến trúc trung tâm thành phố Kitakyushu; Hội thảo giao lưu giữa các doanh nhân Việt Nam với các doanh nhân Nhật Bản.

 

Đường hầm xuyên biển Tokyo Bay Aqua Line, Nhật Bản

Nhật Bản là một trong những Quốc gia phát triển bậc nhất thế giới, một đất nước thanh bình, nhịp sống năng động có phần hối hả. Cơ sở hạ tầng giao thông được xây dựng hiện đại, đồng bộ từ nông thôn đến đô thị từ sau chiến tranh thế giới thứ II, đặc biệt phát triển nhất là từ thập niên 50. Nhật Bản có trên 3.000 hòn đảo lớn nhỏ, diện tích 377.829 kmtrong đó trên 70% diện tích là đồi núi, thường xảy ra động đất, sóng thần nên cơ sở hạ tầng phải xây dựng rất kiên cố và đòi hỏi nhiều kinh phí vì phải làm rất nhiều cầu, nhiều hầm xuyên núi, xuyên biển, xử lý sụt trượt, nền đất yếu. Đường hầm xuyên biển Tokyo Bay Aqua Line bắt đầu được xây dựng từ năm 1989 và hoàn thành vào năm 1997 với tổng chiều dài 15,1 km, đường hầm qua vịnh Tokyo được coi là đường hầm dưới biển dài nhất thế giới tại thời điểm đó. Đây là một công trình phức hợp gồm 9,5 km hầm, 4,4 km cầu và hai đảo nhân tạo. Độ sâu của đường hầm chỗ thấp nhất là 60 m. Công trình này được xây dựng để nối hai thành phố Kisazaru và Kawasaki của Nhật Bản. Trước đây, để di chuyển giữa hai thành phố này, người ta phải đi 100 km dọc theo vịnh Tokyo hoặc đi phà mất một giờ đồng hồ, nhưng nay chỉ cần 15 phút qua hầm. Việc xây dựng đường hầm Aqua đã giúp rút ngắn thời gian di chuyển qua hai thành phố Kawasaki và Kisarazu. Điểm đặc biệt của đường hầm này là sự hiện diện của một hòn đảo nhân tạo Umi Hotaru trên cầu. Đây là địa điểm lý tưởng cho du khách muốn quan sát vẻ đẹp của vịnh Tokyo.

 

Thăm và làm việc với Công ty East Japan Railway

Sáng ngày 05 ở Nhật Bản, đoàn lớp giám đốc chiến lược Keieijuku khóa 1 Hải Phòng đã tới thăm và làm việc với Công ty East Japan Railway tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Hoạt động kinh doanh của Công ty East Japan Railway: Kinh doanh đường sắt vận chuyển hành khách; Kinh doanh đường sắt vận chuyển hàng hóa; Ngành lữ hành; Kho bãi; Bãi đậu xe;Ngành quảng cáo; Ngành lắp đặt trang thiết bị; Ngành cung cấp điện; Vốn đầu tư: 200 tỷ yên. Ông Takahama Tasuku- đại diện Công ty đã có bài giới thiệu tổng quan về Công ty East Japan Railway; Trong đó nổi bật là lịch sử đường sắt Nhật Bản và sự thành lập JR East cùng sự cải tổ JNR vào năm 1987 để có sự thành công đến ngày hôm nay. Nhiều câu hỏi đã được đưa ra để cùng trao đổi và tranh luận. Đại diện East đã đưa lớp Keieijuku khóa 1 Hải Phòng đi thăm quan toàn bộ hệ thống ga đường sắt trung tâm Tokyo, thăm ga tầu điện cao tốc với vận tốc lên tới 320 km/h. Qua chuyến thực hành thực tế, lớp keieijuku khóa 1 Hải Phòng đã hiểu sâu thêm về hệ thống đường sắt Nhật Bản cũng như sự chuyển mình đổi mới bắt đầu từ ý thức hệ, để có sự hoàn hảo hôm nay. Chuyền thăm và làm việc với Công ty East Japan Railway của lớp giám đốc chiến lược Keieijuku khóa 1 Hải Phòng đã để lại những kỷ niệm khó quên.

 

Vài nét kiến trúc ở thủ đô Tokyo Nhật Bản

Nền kiến trúc hiện đại Nhật Bản với các KTS nổi danh như Tange Kenzo, Kurokawa Kisho, Kikutake Kiyonori, Maki Fumihiko, Tadao Ando,… Thủ đô Tokyo Nhật Bản là trung tâm kinh tế toàn cầu với dân số khoảng 13 triệu người. Tokyo gần như được xây dựng mới hoàn toàn sau sự tàn phá của chiến tranh thế giới lần thứ 2 (1939- 1945) và đến năm 1965 đã trở thành một trong những thành phố lớn nhất thế giới. Trong thời kỳ phát triển kinh tế vào thập niên 1970-1990, Tokyo là thành phố của những nhà cao tầng. Đó là Tháp Tokyo mới với các nhà siêu cao tầng. Hệ thống giao thông đường sắt, đường bộ và tàu điện tạo ra Tokyo có cấu trúc siêu hiện đại. Tokyo là thành phố năng động và bận rộn, một bộ máy đô thị khổng lồ. Đó là sự phát triển của các khu đô thị mới; Những nhà chọc trời ở Tây Bắc Tokyo; Vịnh Tokyo; Khu vực Wangan, Roppongi- Akasaka, Shibuya- Azabu, Shinjuku- Yotsuya, Chuo- Ginza,… Đó còn là những tòa nhà siêu cao tầng kinh doanh, trụ sở các cơ quan thương mại, những kiến trúc nổi tiếng như Tòa thị chính Tokyo ở Shinjuku, Tokyo Dome ở Bunkyoku, Tòa nhà Forum Quốc tế Tokyo ở Maruno-uchi. Kiến trúc Tokyo còn là các ga tầng ngầm của hệ thống Metro chằng chịt chìm sâu trong lòng đất đến những con đường trên cao và trên không. Hiện diện của kiến trúc trong các tầng không gian đô thị ở Tokyo thật thú vị làm cho những ai đến với Tokyo đầy ngỡ ngàng và ấn tượng.

 

Tọa đàm và giao lưu với các doanh nhân Nhật Bản

Chiều ngày 05 ở Nhật Bản, tại trung tâm hội nghị thủ đô Tokyo; Đã diễn ra cuộc tọa đàm và giao lưu giữa các doanh nhân thành phố Hải Phòng, Việt Nam với các doanh nhân thủ đô Tokyo, Nhật Bản do Jica và Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa Nhật Bản tổ chức. Mục đích ý nghĩa cuộc tọa đàm giao lưu: Hỗ trợ tăng trưởng; Phát triển mạng lưới an toàn; Cung cấp sự kết nối tổng hợp phù hợp với nhu cầu từ phía doanh nghiệp vừa và nhỏ có liên kết với các cơ quan liên quan đến chính phủ, cơ quan hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, cơ quan tài chính, cơ quan nghiên cứu. Có 26 doanh nghiệp Nhật Bản đã tham gia tọa đàm và giao lưu. Sau bài phát biểu khai mạc của ban tổ chức; Đã có 3 cuộc làm việc theo nhóm nhằm đạt được sự hiểu biết lẫn nhau, cũng như tìm được các bạn hàng ưng ý. Đã có gần 20 thương thảo được thiết lập cũng như những đàm phán hiệu quả dành cho cả hai bên Việt Nam và Nhật Bản. Đây là một trong những hoạt động ý nghĩa, mang lại lợi ích thiết thực như mong muốn do Jica kết hợp với HH DN NVV Nhật Bản dành cho các doanh nhân học viên lớp Giám đốc Chiến lược Keieijuku khóa 1 Hải Phòng và các doanh nhân thành phố Tokyo, Nhật Bản.

 

Những ngày tại Trung tâm Jica Tokyo Nhật Bản

Mỗi thành viên lớp Giám đốc Chiến lược Keieijuku khóa 1 Hải Phòng trong quá trình thực tập 7 ngày ở Trung tâm Jica Tokyo Nhật Bản được Jica hỗ trợ toàn bộ kinh phí di chuyển, ăn, nghỉ và được phát thêm 43.772 yên để chi tiêu. Mỗi học viên được bố trí ở trong một căn phòng 3×6= 18m2 chưa kể ban công nhìn ra một khu vườn cây xanh mát mẻ. Nội thất được bố trí đầy đủ tiện nghi có vệ sinh và phòng tắm khép kín lắp thiết bị hiện đại với bồn tắm, lavabo, cầu tự rửa. Một giường cá nhân được thay giặt ga đệm hàng ngày. Bàn viết; giá sách; tủ để quần áo, điều hòa nhiệt độ, ti vi, tủ lạnh, máy cung cấp oxi trong phòng. Mạng Intơnet ở đây không được tốt như ở Việt Nam. Mật khẩu được Jica thay đổi hàng ngày, mỗi ngày một mật khẩu khác nhau và niêm yết ở lễ tân. Một ngày Jica bố trí cho học viên 3 bữa ăn. Bữa sáng ăn tự chọn và miễn phí. Bữa trưa và bữa chiều ăn theo thẻ học viên. Mỗi thẻ ăn trong 7 ngày có trị giá 7.700 yên. Ăn quá số tiền đó thì học viên thêm tiền vào ăn. Ăn không hết học viên có thể qui đổi ra quà ví dụ như rượu sake hoặc socola, chứ Jica không trả lại tiền thừa. Lý do ăn không hết thẻ là các học viên đi thực tế thường buổi trưa không về mà ăn ở ngay chỗ đến thực tập, chỗ đến thực tập có khi cách trung tâm Jica hàng trăm cây số; Hoặc các học viên tự đến ăn ở các quán ăn Nhật Bản rất ngon và rẻ ở ngay cạnh trung tâm Jica Tokyo. Phòng giặt là được bố trí mỗi tầng một phòng rộng rãi, để học viên tự mang quần áo của mình đến giặt, sấy và là. Cạnh đó là phòng cung cấp nước sôi 100 độ và nước lọc. Những ngày ở Trung tâm Jica Tokyo là kỷ niệm đẹp với các học viên trên toàn thế giới đến đây tham gia học tập với sự hỗ trợ của chính phủ Nhật Bản và Jica.

 

Thăm và làm việc với Công ty Odakyu Electric Railway

Sáng ngày 06 ở Nhật, đoàn lớp Giám đốc Chiến lược Keieijuku khóa 1 Hải Phòng; đã có lịch thăm và làm việc với Công ty Odakyu Electric Railway tại thành phố Ebina, tỉnh Kanagawa Nhật Bản. Hoạt động kinh doanh của công ty Odakyu Electric Railway: Ngành đường sắt, thương mại, bất động sản. Tuyến đường sắt Odakyu là tuyến đường sắt tư nhân lớn chạy qua thủ đô Tokyo tới tỉnh Kanagawa; Số km vận hành là 120 km; số ga: 70 ga; mỗi ngày vận chuyển trung bình 2.030.000 lượt hành khách. Tập đoàn Odakyu bao gồm 44 công ty con liên kết với nhau trong các lĩnh vực: Vận tải; phân phối, bất động sản và các ngành khác gồm: hội nghị, khách sạn, nhà hàng, dịch vụ cao ốc,… Siêu thị Vinawalk hiện là điểm đến mua sắm, và du lịch thú vị thu hút khách trong nước và nước ngoài của tập đoàn Odakyu. Nhiều sự kiện văn hóa được tổ chức ở đây làm lên một trung tâm đô thị vui vẻ, náo nhiệt. Ngoài ra với dự án phát triển đô thị trong tương lai, tập đoàn Odakyu sẽ đầu tư xây dựng thêm 3 tòa cao ốc lớn phát triển quĩ nhà ở xã hội. Nhiều câu hỏi đã được đề ra để trao đổi tranh luận giữa các doanh nhân Hải Phòng và lãnh đạo Công ty Odakyu Electric Railway. Kết quả thu được với những giá trị kinh doanh và phát triển bền vững là điều cần có ở một tập đoàn đang lớn mạnh từng ngày.

 

Buổi trưa ở tỉnh Kanagawa Nhật Bản

Tỉnh Kanagawa có dân số đông thứ 3 tại Nhật Bản, sau Tokyo và tỉnh Osaka. Kanagawa là một phần của vùng thủ đô Tokyo. Tỉnh Kanagawa nằm giữa Tokyo ở phía Bắc, chân núi Phú Sỹ về phía Tây Bắc và Thái Bình Dương và vịnh Tokyo về phía Nam và phía Đông. Phía Đông là đồng bằng khá bằng phẳng và được đô thị hóa cao độ, bao gồm các thành phố cảng lớn là Yokohama và Kawasaki, về phía Đông Nam thì mức độ đô thị hóa thấp hơn, gần bán đảo Miura nơi có thành phố cổ Kamakura- một địa danh du lịch nổi tiếng. Phía Tây thì nhiều núi đồi, có các khu nghỉ mát như Odawara và Hakone. Sông Tama là ranh giới tự nhiên giữa Kanagawa và Tokyo. Sông Sagami chảy qua giữa tỉnh này. Yokohama, thành phố lớn thứ hai của Nhật Bản, nằm ở phía nam, cách Tokyo chưa đến nửa giờ xe lửa. Nơi đây xưa kia vốn là làng chài lưới nhưng khi Nhật Bản mở cửa giao thương với nước ngoài năm 1859, sau gần 200 năm bế quan tỏa cảng thì Yokohama là điểm giao lưu đầu tiên và nhanh chóng trở thành thành phố sầm uất, hiện đại. Sau nhiều lần bị phá hủy bởi thiên tai động đất và chiến tranh thế giới thứ hai, hiện nay Yokohama đươc xây dựng lại với nhiều công trình hiện đại như tòa nhà cao nhất Nhật Bản Landmark (cao 258.8m). Đứng ở đài thiên văn Sky Garden ở tầng thứ 69, ta có thể nhìn toàn cảnh thành phố, trong những ngày đẹp trời có thể thấy cả núi Phú Sĩ. Công trình nổi bật thứ hai là cầu vịnh Yokohama nối liền cầu tàu Honmuku Pier ở gần khu Chinatown với cầu tàu Daikoku Pier, đu quay Cosmo Clock 21 cao 112,5m, khách sạn cánh buồm Inter Continental the Grand Yokohama tuyệt đẹp.

 

Thăm và làm việc với Công ty Japan Airlines JAL

Chiều ngày 06 ở Nhật, đoàn lớp Giám đốc Chiến lược Keieijuku khóa 1 Hải Phòng; đã có lịch thăm và làm việc với Công ty Japan Airlines JAL tại thủ đô Tokyo Nhật Bản. Hoạt động kinh doanh của công ty Japan Airlines JAL: Kinh doanh vận chuyển hàng không theo lịch trình và kinh doanh vận chuyển hàng không không theo lịch trình. Kinh doanh sử dụng máy bay. Kinh doanh các ngành phụ trợ và các ngành liên quan. Mục tiêu trao đổi: Đào tạo nguồn nhân lực và quản lý an toàn. Ngành giao thông vận tải hàng không là một cơ sở hạ tầng công cộng, sự phát triển của nó có tác động đến xã hội, và những biến đổi của xã hội cũng ảnh hưởng đến ngành hàng không; Đây là ngành dịch vụ có tính tập trung lao động cao, là ngành công nghiệp thiết bị có chi phí cố định cao; là ngành có nhiều điều kiện ngoại lệ như quyền lợi hàng không, qui định kinh doanh; phản ứng nhạy cảm với tình hình xã hội; có triển vọng tăng trưởng mang tính dài hạn trong tương lai. Sau thuyết trình của đại diện công ty, đoàn keieijuku khóa 1 Hải Phòng đã đi thăm quan kho vật tư hàng không, xưởng sửa chữa máy bay. Vào buổi tọa đàm, nhiều câu hỏi đã được đặt ra để diễn giả thảo luận cùng các doanh nhân học viên. Chuyến thăm và làm việc với Công ty Japan Airlines JAL của lớp Giám đốc Chiến lược Keieijuku khóa 1 Hải Phòng đã để lại những ấn tượng khó quên.

 

Thăm đền Yasukuni

Ngày 07 tại Nhật, theo chương trình ngoại khóa; lớp Keieijuku khóa 1 Hải Phòng đã tới thăm đền Yasukuni. Đền Yasukuni được xây dựng vào năm 1869 dưới thời Thiên hoàng Minh Trị tại cố đô Kyoto, còn được biết đến với cái tên “đền gọi hồn người chết”. Đến năm 1875, Thiên hoàng quyết định dời ngôi đền về Tokyo, đổi tên thành Yasukuni nhằm biến nơi này thành địa điểm linh thiêng, đề cao bản sắc dân tộc và tinh thần võ sĩ đạo. Yasukuni trở thành nơi tưởng nhớ và thờ phụng 2,5 triệu linh hồn Nhật Bản, bao gồm cả những người tham gia lực lượng phát xít và 13 tội phạm chiến tranh trong Chiến tranh thế giới thứ 2. Điều này đã gây phẫn nộ với Trung Quốc, Hàn Quốc và Triều Tiên- những nước từng bị phát xít Nhật xâm lược và tàn phá. Tọa lạc gần Hoàng cung ở Tokyo, Yasukuni luôn mở cửa chào đón dân chúng và khách tham quan. Bên trong là những tòa nhà gỗ cổ kính còn nguyên màu thời gian. Đoàn keieijuku khóa 1 Hải Phòng đến thăm quan đền Yasukuni và xem bảo tàng chiến tranh, nơi trưng bày những phương tiện thời chiến như: máy bay, đầu xe lửa, súng thần công và các hình ảnh lịch sử.

 

Thăm Hoàng cung Nhật Bản

Ngày 07 tại Nhật, theo chương trình ngoại khóa; lớp Keieijuku khóa 1 Hải Phòng đã tới thăm quan Hoàng cung Nhật Bản là nơi cư trú chính của Hoàng gia Nhật Bản. Cũng giống như dinh thự dành cho các vị lãnh tụ quốc gia trên khắp thế giới, các tòa nhà của hoàng cung và khu vườn bên trong đều không mở cửa tiếp đón du khách. Tuy nhiên, vào hai ngày trong năm (ngày 23 tháng 12 và ngày 2 tháng 1), du khách có thể vào các khu vườn bên trong hoàng cung để ngắm nhìn Hoàng gia vẫy tay chào từ ban công. Những bức tường và ngọn tháp bằng đá cùng những cây cầu Nijubashi bắc ngang hào nước chảy từ bên ngoài vào trong khuôn viên hoàng cung. Chúng gợi nhắc đến những công trình đã từng ngự trị tại đây hàng trăm năm trước khi các hào nước và thành lũy được dùng làm tuyến phòng thủ quan trọng. Về phía đông của dinh thự là Vườn Phía đông Hoàng cung, mở cửa tiếp đón du khách hàng ngày, trừ thứ hai và thứ sáu. Khuôn viên này mang đến những không gian xanh và hồ nước thanh bình cùng với một khu vườn Nhật Bản được cắt tỉa đẹp và di tích từ các bức tường thành cũ. Gần đó là Bảo tàng nghệ thuật hiện đại quốc gia Tokyo, Phòng triển lãm đồ thủ công MOMAT Kogeikan và Bảo tàng khoa học.  Ngay phía bắc của hoàng cung là Công viên Kitanomaru, một khu vực công cộng có Nhà thi đấu Nippon Budokan. Budokan là một trung tâm biểu diễn võ thuật, đấu vật và âm nhạc nổi tiếng thế giới với sự tham gia biểu diễn của nhiều ngôi sao quốc tế từ The Beatles đến Taylor Swift. Hoàng cung nằm tại trung tâm Tokyo trên một khu đất rộng 1,3 dặm vuông (3,4 km vuông).

 

Tháp Tokyo Sky Tree

Ngày 07 tại Nhật, theo chương trình ngoại khóa; lớp Keieijuku khóa 1 Hải Phòng đã tới thăm quan tháp Tokyo Sky Tree là tháp truyền hình cao nhất thế giới nằm ở Sumida-ku, Tokyo với chiều cao 634m. Có thiết kế đài quan sát Tokyo Sky Tree Tembo Deck cao 350m so với mặt đất và Tokyo Sky Tree Tembo Kairo ở độ cao 450m. Từ lối vào tầng 4, đi Tembo Shuttle sẽ lên tới Tembo Deck. Tembo Deck được chia thành 3 tầng là tầng 340, 345, 350. Sàn của tầng 340 là kính, cho nên có thể thấy được khung cảnh hơi rùng mình ở dưới chân với độ cao 350m. Tầng 345 có nhà hàng và đồ lưu niệm, tầng 350 là quầy bán vé để lên Tembo Kairo, có quán café, có bức tranh phong cảnh được vẽ vào thời Edo, có Tokyo Navi thiết kế màn hình cảm ứng. Từ cửa sổ của bất kỳ tầng nào cũng có thể ngắm được toàn cảnh thành phố dưới chân với tầm nhìn mở rộng đến 70 km. Từ tầng 350 của Tembo Deck, đi Tembo shuttle sẽ đến Tembo Kairo. Tembo Kairo có 2 tầng là 445 và 450. Đi bộ men theo hành lang quan sát dạng dốc đổ từ tầng 445 là có thể lên đến được tầng 450. Tòa bộ tường của nơi này đều là kính nên cảm giác như là đang đi bộ trong không trung. Ở tầng 450 có khu vực “Sora kara point” nằm ở điểm đến cao nhất, được tạo nên bởi kính và ánh sáng. Đứng tại đây du khách sẽ cảm nhận được địa cầu hình tròn, cảm giác trôi lơ lững và cảm giác rộng lớn một cách kỳ lạ.

 

Ẩm thực và Lễ hội tại Nhật Bản.

Ngày 07 tại Nhật, theo chương trình ngoại khóa; lớp Keieijuku khóa 1 Hải Phòng đã chứng kiến một lễ hội tại Nhật Bản và dự liên hoan ẩm thực. Chế độ ăn uống của Nhật Bản được gọi là ichi ju san sai: “một súp, ba món”, ăn với cơm (do các võ sĩ thời kỳ Muromochi đặt ra). Nhiều thành phần dinh dưỡng trong thực phẩm Nhật Bản rất tốt cho sức khỏe. Bữa ăn không thể thiếu đậu nành và các thực phẩm chế biến từ đậu nành như miso (tương đặc), tofu (đậu hũ tươi), natto giúp ngăn chặn tình trạng tắc nghẽn mạch máu; hạt vừng đen giúp kích thích hoạt động của não, mơ chua umeboshi để lọc máu, rong biển kombu giúp giảm lượng cholesterol, chè tươi giúp chống lão hóa tế bào. Hầu hết các món ăn Nhật Bản đều tuân theo quy tắc “tam ngũ”: ngũ vị, ngũ sắc, ngũ pháp. Ngũ vị bao gồm: ngọt, chua, cay, đắng, mặn. Ngũ sắc có: trắng, vàng, đỏ, xanh, đen. Ngũ pháp là: sống, ninh, nướng, chiên và hấp. So với những nước khác, cách nấu nướng của người Nhật hầu như không sử dụng đến gia vị. Thay vào đó, người ta tập trung vào các hương vị tinh khiết của các thành phần món ăn: cá, rong biển, rau, gạo và đậu nành. Nhật Bản là một đất nước có nền văn hóa lâu đời mang trong mình rất nhiều nét đặc sắc độc đáo của văn hóa phương Đông. Những lễ hội độc đáo ở Nhật Bản là các sự kiện lễ hội rất truyền thống ở đất nước này.

 

Thăm Nhà tưởng niệm Basho

Ngày 07 tại Nhật, chúng tôi đã tới thăm và trao quà của CLB Haiku Việt cho Nhà tưởng niệm Basho tại thủ đô Tokyo Nhật Bản. Matsuo Basho (1644-1694) là Thiền giả Thi sĩ lỗi lạc của thời Edo Nhật Bản, tên thật là Matsuo Munefusa, là con trai út thứ bảy của một Samurai cấp thấp phục vụ lãnh chúa thành Ueno. Basho được thừa nhận là người phát triển những câu đầu (phát cú) của thể renga (liên ca) có tính hài hước gọi là Renga no Haikai thành một thể thơ độc lập mang âm hưởng sâu thẳm của Thiền đạo là Haiku. Mùa xuân năm 1679, Matsuo Basho được phong tước hiệu Sosho- bậc thầy dạy thơ Haiku. Năm sau ông dời đến một túp lều bên sông Sumida và ở đây, có đệ tử mang tặng cây chuối- một giống cây đương thời chỉ có ở Trung Hoa. Ngay tức thì, nhà thơ say mê nó và đem trồng trong sân nhà. Khách đến thăm gọi nhà ông là “Ba Tiêu Am” (Basho-an). Đến năm 1693, Basho quyết định đóng cửa sống cô tịch không tiếp khách, và người ta nói rằng cánh cửa nhà ông chỉ mở ra khi có một biến cố, như khi hoa triêu nhan nở bên hàng dậu. Thời gian này, cuộc đời và thơ ca của ông hướng đến một lý tưởng gọi là karumi, tức sự nhẹ nhàng thanh thoát tìm thấy ngay giữa cuộc đời ô trọc. Mùa xuân 1694, Basho đi thăm phương Nam mà đích đến là Osaka ở đảo Kyushu theo lời mời thành khẩn của một đệ tử. Trên đường đi ông trở bệnh nặng tại một lữ quán ở Osaka. Đệ tử xin ông làm bài thơ từ thế, ông đáp: “thơ lúc bình sinh đã là bài từ thế rồi”, và viết: “Đau yếu giữa hành trình/ chỉ còn mộng tôi phiêu lãng/ trên những cánh đồng hoang”. Basho mất vào ngày 12/10/1694 tại Osaka. Chừng ba trăm học trò đã đưa thầy đến nơi an nghỉ cuối cùng. Cho dù được chôn cất trong một ngôi chùa, Basho được phong thần trong nhiều ngôi đền thờ Thần đạo, thậm chí có đền còn lấy tên theo một câu thơ của ông. Địa chỉ nhà tưởng niệm Basho ở Tokyo: 1 Chome 6-3 Tokiwa-Kotoku- Tokyo 135-0006 (cạnh sông Sumida, gần cầu shinobashi 新大橋). Fone: 03- 3631-1448; 135-000東京都 江東区、常盤1-6-3; 隅田川 と新大橋 に 近いところ。

 

Đến tượng Nữ thần Tự do tại vịnh Tokyo

Ngày 07 tại Nhật, theo chương trình ngoại khóa; lớp Keieijuku khóa 1 Hải Phòng đã tới thăm quan tượng Nữ thần Tự do tại vịnh Tokyo Nhật Bản. Năm 1876, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 100 ngày Quốc khánh Mỹ, chính quyền Pháp đã gửi tặng chính quyền thành phố New York bức tượng Nữ Thần Tự Do, được đặt ở bờ cảng New York do nhà điêu khắc nổi tiếng Bartholdi thực hiện. Đáp lại điều này, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 100 cách mạng Pháp, hội người Mỹ sinh sống tại Paris đã gửi tặng một bản sao bức tượng Nữ Thần Tự Do cho chính quyền Pháp.  Vào năm  1998-1999 để kỷ niệm năm Pháp ở Nhật, chính quyền Pháp đã đem bức tượng Nữ thần tự do đang được đặt bên bờ sông Seinne mang đến Nhật và đặt tại công viên bờ biển Odaiba. Mục đích ban đầu Bức tượng này chỉ được đặt tượng trưng, tuy nhiên, do người dân Nhật Bản và du khách quá yêu thích bức tượng này nên chính quyền Pháp đã quyết định làm một sản sao của bức tượng và tặng lại cho Nhật Bản. Bức tượng này có ý nghĩa nhân văn mang biểu tượng của tự do, hòa bình cho và kết nối các dân tộc trên thế giới. Theo nhà sáng chế, tác giả Bartholdi, bức tượng này mang ý nghĩa Nữ thần của Tự Do soi sáng thế giới”, và “Tự Do là nhân tố thiết yếu kết nối các dân tộc”. Đảo Odaiba là một hòn đảo nhân tạo lớn ở vịnh Tokyo nối với trung tâm nhờ cây cầu Rainbow Bridge. Khu đảo này rất phát triển, trở thành cảng biển, mọc lên nhiều trung tâm thương mại và khu vui chơi giải trí.

 

Thăm đền thờ Minh Trị Thiên Hoàng

Ngày 07 tại Nhật, theo chương trình ngoại khóa; lớp Keieijuku khóa 1 Hải Phòng đã tới thăm đền thờ Minh Trị Thiên Hoàng nằm ở Yoyogi, Shibuya-ku, Nhật Bản. Meiji-Jingu là một ngôi đền thờ thiên hoàng Minh Trị Meiji-Tenno và Hoàng Thái Hậu Shōken-kōtaigō. Jingu là một ngôi đền được nhiều người biết đến và chủ yếu thờ phụng tổ tiên của hoàng thất, thiên hoàng; “Jingu” là tên gọi tắt của “Ise-jingu”. Đền Meiji-Jingu được xây dựng vào năm 1920. Trong các đền thờ, đây là đền thờ được xây dựng gần đây nhất. Vào ngày lễ đầu năm Hatsumode, đi viếng thăm đền vào ngày đầu tiên của năm, mỗi năm người ta đều ghi chép số lượng người viếng thăm và nhận thấy rằng đây là ngôi đền có số lượng người viếng thăm nhiều nhất Nhật Bản. Xung quanh ngôi đền là rừng rậm rộng lớn, toàn bộ những cây trong rừng này đều là cây nhân tạo. Khi xây dựng ngôi đền này, người ta đã tập hợp nhiều cây từ khắp đất nước Nhật Bản. Nơi thu hút khách nổi tiếng là “Kiyomasa no ido”. Nơi đây có rất nhiều cây xanh khiến cho người ta không nghĩ nó nằm trong thành phố nên có thể tận hưởng ma lực của thiên nhiên bao quanh ngôi đền nhân tạo này. Ở mọi nơi đều treo thơ Haiku mà thiên hoàng Minh Trị đã đọc, chỉ cần tra nghĩa của chúng ta cũng cảm thấy rất thú vị. Thơ được Thiên Hoàng ngâm gọi là “Gyosei”, thơ được Hoàng Thái Hậu ngâm gọi là “Kogoheika”.

 

Chiêm bái chùa Sensoji

Sáng ngày 08 tại Nhật, theo chương trình ngoại khóa; lớp Keieijuku khóa 1 Hải Phòng đã tới chiêm bái chùa Sensoji tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Chùa Sensoji nổi tiếng và thu hút khách với lịch sử hình thành từ rất lâu đời. Chùa được xây dựng vào năm 645 (thế kỷ thứ 7). Chùa Sensoji- Ngôi chùa cổ nhất Tokyo. Đầu tiên bạn sẽ trông thấy chính điện Kannondo hay còn gọi là Điện Quan Âm. Điện xây dựng vào năm 1649, quay mặt về hướng Nam và được xem là di sản quốc gia. Đại điện bao gồm 2 khu vực chính: Phía trước (Khu vực dành cho tín đồ) và Phía trong (Khu vực đặt tượng Quan Âm), tuy nhiên các tín đồ không được phép bước vào phía trong, chỉ được thắp nhang và đứng xem Tượng Phật Quan Âm từ phía ngoài. Đi về phía bên phải của đại điện là đền Thần Đạo Asakusa Shinto. Mặc dù ngôi đền khá nhỏ nhưng nó thu hút một lượng lớn người dân địa phương và khách du lịch Nhật Bản vào mỗi tháng 5 là thời điểm diễn ra lễ hội Sanja-matsuri- Một trong 3 lễ hội lớn của Tokyo. Ngoài ra, cảnh quan của chùa Sensoji cũng “biến hóa” tuyệt vời tùy vào từng thời điểm, đặc biệt là cảnh sắc trong XUÂN- HẠ- THU- ĐÔNG khiến khách du lịch Nhật Bản khó lòng cưỡng lại được.

 

Trà xanh và văn hóa trà ở Nhật Bản

Ngày 08 tại Nhật, chúng tôi đã tới thưởng thức trà xanh và văn hóa trà tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Trà đạo hay Zen tea là một nét văn hóa độc đáo đã được hình thành từ rất lâu đời tại Nhật Bản, đây là một nghệ thuật không chỉ là thưởng thức trà mà nó còn ẩn chứa và lồng ghép cả nghệ thuật sống trong việc thưởng thức tách trà.  Nguồn gốc trà đạo của Nhật bản theo ghi chép thì được bắt nguồn từ vị thiền sư Esai (1141- 1215) sau khi qua Trung Quốc tham vấn đạo trở về, ông có mang về theo một số hạt trà từ Trung Quốc và về trồng trong sân chùa tại Kyoto Nhật Bản. Bằng việc kết hợp với nhiều thú vui khi thưởng thức một chén trà, vị thiền sư này đã viết một cuốn sách với tựa đề “Khiết trà dưỡng sinh ký”. Và cũng từ đó, với sự cải tiến liên tục không ngừng nghỉ kết hợp với những giáo lý Phật giáo để nâng cao nghệ thuật thưởng thức trà, người Nhật đã dần đưa việc uống trà trở thành một nét văn hóa đặc trưng và độc đáo của chính dân tộc mình, đó chính là Trà Đạo- Chado. Tâm hồn mỗi người khi được trải mình với Trà Đạo sẽ được an lành, gột rửa và sống hài hòa, thánh thiện hơn với bản thân mình, với mọi người và với thiên nhiên.

 

Lễ hội ở thủ đô Tokyo Nhật Bản

Ngày 08 tại Nhật, chúng tôi đã cùng hòa trong lễ hội Sanja Matsuri của người dân địa phương tại thủ đô Tokyo Nhật Bản. Sanja Matsuri  là lễ hội lớn nhất được tổ chức thường lệ vào tuần thứ 3 của tháng 5, nó mang ý nghĩa tưởng nhớ những người có công lập nên chùa Sensoji. Bạn sẽ được hòa vào không khí náo nhiệt với những những cuộc diễu hành cùng các hoạt động âm nhạc truyền thống, nhảy múa. Theo truyền thuyết của Nhật Bản, vào năm 628, có hai anh em (Hinokuma Hamanari và Hikokuma Takenari) đánh bắt cá trên sông Sumida đã tìm thấy một tượng Phật Quan Âm (Kannon) vướng vào lưới mình, mặc dù thả tượng trở về sông nhiều lần nhưng bức tượng vẫn quay trở về với họ. Nhận ra sự linh thiêng của tượng Phật này, một vị trưởng lão trong làng (Hajino Nakamoto) đã hiến một phần ngôi nhà của mình để tu sửa thành ngôi chùa nhỏ dùng cho việc thờ phụng Kannon, chính là chùa Sensoji ngày nay. Vào khoảng thời gian của Mạc phủ Tokugawa, Tokugawa Leyasu, ngôi chùa được xem như là thần hộ mệnh của gia tộc này. Bên cạnh đó, còn có rất nhiều lễ hội khác trong năm tại chùa Sensoji như: lễ hội Asakusa Samba Carnival diễn ra vào tháng 8, lễ hội Hagoita-ichi diễn ra trong tháng 11.

 

Chia tay Jica Tokyo, đến Jica Kyushu

Ngày 08 tại Nhật, lớp Keieijuku khóa 1 Hải Phòng đã chia tay trung tâm Jica Tokyo để ra sân bay Haneda làm thủ tục bay tới thành phố Kyushu. Thành phố Kyushu, Nhật Bản là thành phố kết nghĩa với thành phố Hải Phòng, Việt Nam. Chúng tôi sẽ có thời gian 7 ngày tiếp theo công tác tại Jica Kyushu. Trong thời gian 7 ngày vừa qua tại TT Jica Tokyo Nhật Bản; Đoàn Keieijuku khóa 1 Hải Phòng đã thực hiện xong bước đầu của chuyên đề 9; Đoàn đã tới thực tập ở các công ty Nhật Bản là: Công ty cổ phần Technical Electron; Công ty East Nexco; Công ty Nissin Corporation; Công ty East Japan Railway; Công ty Odakyu Electric Railway; Công ty Japan Airlines JAL; Đoàn đã dự một cuộc tọa đàm với gần 30 các doanh nhân Nhật Bản. Trong chương trình ngoại khóa, đoàn đã thăm quan một số thắng cảnh nổi tiếng ở Nhật Bản như: Đền Yasukuni; Hoàng cung Nhật Bản; Tháp Tokyo Sky Tree; Nhà tưởng niệm Basho; Tượng Nữ thần Tự do tại vịnh Tokyo; Đền thờ Minh Trị Thiên Hoàng; Chùa Sensoji; Tham dự chương trình lễ hội Sanja Matsuri  ở Tokyo, thưởng thức ẩm thực và văn hóa trà ở Nhật Bản. Chia tay Jica Tokyo Nhật Bản với bao lưu luyến và hẹn ngày gặp lại.

 

Lớp Keieijuku khóa 1 Hải Phòng đến Jica Kyushu Nhật Bản

Ngày 08 ở Nhật; chuyến máy bay Japan Airlines mang số hiệu JAL375 cất cánh từ sân bay Haneda- Tokyo lúc 14h30p đưa đoàn lớp Giám đốc Chiến lược Keieijuku khóa 1 Hải Phòng đến sân bay Kitakyushu- Kyushu vào hồi 15h50p cùng ngày. Từ sân bay Kitakyushu đoàn di chuyển trên quãng đường 50 km về tới trung tâm Jica tại tỉnh Fukuok trên đảo Kyushu Nhật Bản. Chúng tôi sẽ làm việc tại Jica Kyushu thêm 7 ngày nữa. Kyushu (tiếng Nhật: 九州; Hán-Việt: Cửu Châu) là một trong chín vùng địa lý và cũng là một trong bốn đảo chính của nước Nhật Bản. Kyushu nằm ở phía Tây Nam Nhật Bản. Đây là nơi sinh thành của nền văn minh Nhật Bản. Gọi là Kyushu (Cửu Châu) vì vào thời kỳ Asuka ở đây có chín tỉnh. Trước đây nó còn được gọi là Kyukoku hoặc Kukoku (九国; Hán-Việt: Cửu Quốc), Chinzei (鎮西; Hán-Việt: Trấn Tây), Saikai (西海; Hán-Việt: Tây Hải). Vùng Kyushu bao gồm bảy tỉnh: Fukuoka, Kagoshima, Kumamoto, Miyazaki, Nagasaki, Oita và Saga. Theo cách phân nước Nhật thành tám vùng địa lý, thì vùng này còn bao gồm cả tỉnh Okinawa. Kyushu là một trong bốn vùng đảo lớn tại Nhật Bản bao gồm các vùng như Kagoshima, Nagasaki, Fukuoka, Kumamoto, Oita. Khí hậu Kyushu ấm áp, người dân hiền hòa, đời sống bình dị, giá cả vật chất rẻ. Không có quá nhiều khách du lịch tại Kyushu, thế nên không khí tại đây vẫn giữ được vẻ tĩnh mạc, nguyên vẹn với những con đường ngợp bóng cây xanh, dòng người thong dong, không gian  cảnh sắc thanh bình.

 

Sớm mai ở Jica Kyushu Nhật Bản

Sớm ngày 09 ở Nhật, chúng tôi thức dậy lúc 5h sáng, ở Việt Nam bây giờ mới là 3 giờ, ngoài trời đang là 18 độ, không khí ở thành phố Kitakyushu thuộc tỉnh Fukuoka trên đảo Kyushu Nhật Bản thật trong lành. Chúng tôi chạy một vòng quang Jica Kyushu, những con đường sạch sẽ, những hàng cây xanh tươi, đặc biệt bên đường có những khóm địa lan rực rỡ trong nắng ban mai. Đến 6h sáng, chúng tôi quay lại trung tâm, một số anh em trong đoàn đang chơi cầu lông và tập thể hình trong nhà thể thao. 7h, chúng tôi vào ăn sáng tự chọn, Jica Kyushu đã chuẩn bị cho mỗi người một suất ăn đủ dinh dưỡng nhiều rau xanh, hoa quả và nước ép trái cây. 8h, chúng tôi ngồi ở sảnh tầng 1 tranh thủ vào mạng Wifi, ở đây Jica Kyushu thống nhất một mật khẩu lên hàng ngày không phải truy cập lại như ở Jica Tokyo, có điều mạng không dùng được ở trong phòng mà phải ra sảnh chung mới vào được. 9h, Jica bắt đầu tập chung phổ biến công việc cho một tuần mới. Chúng tôi sẽ có 7 ngày đi thăm các doanh nghiệp tại Kyushu, gặp gỡ thị trưởng Kitakyushu, sau đó lớp chia ra 4 tổ để làm báo cáo và kết thúc có một buổi bảo vệ trước hội đồng. Một tuần mới đầy năng lượng tại Jia Kyushu thuộc thành phố Kitakyushu, tỉnh Fukuoka trên đảo Kyushu Nhật Bản bắt đầu.

 

Giới thiệu chính sách của thành phố Kitakyushu thuộc tỉnh Fukuoka trên đảo Kyushu Nhật Bản

Sáng ngày 09 ở Nhật, tại phòng họp tầng 3 Trung tâm Jica Kyushu đã diễn ra hội nghị giới thiệu chính sách của thành phố Kitakyushu thuộc tỉnh Fukuoka trên đảo Kyushu Nhật Bản. Hội nghị có 4 nội dung chính: 1 là, giới thiệu thành phố Kitakyushu, diễn giả: Mr Sakagami- Trưởng ban TT thuộc Sở Kế hoạch và Điều phối thành phố; 2 là, những nỗ lực của Trung tâm giảm thiểu Carbon Châu Á, diễn giả: Mr Yasutake- Trưởng ban KH thuộc Sở Môi trường thành phố; 3 là, hợp tác kỹ thuật quốc tế và mở rộng kinh doanh trong lĩnh vực cấp thoát nước, diễn giả: Mr Kawasaki- Trưởng ban KT thuộc Sở Cấp thoát nước thành phố; 4 là, Hỗ trợ mở rộng thị trường ra nước ngoài cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, diễn giả: Mr Hata- Trưởng ban CS thuộc Ban Chính sách kinh doanh quốc tế thành phố Kitakyushu. Thành phố Kitakyushu kết nghĩa với thành phố Hải Phòng đã nhiều năm qua bởi yếu tố địa lý là đô thị ven biển, cửa ngõ hàng hải quốc tế của Nhật Bản và Việt Nam. Trong nhiều năm qua hai thành phố đã có nhiều quan hệ hợp tác quốc tế, nhiều dự án được triển khai thành công ở nhiều lĩnh vực như: Môi trường, cấp thoát nước, đào tạo,… Các doanh nhân học viên lớp Keieijuku Hải Phòng đã đặt ra các câu hỏi thảo luận cùng các chuyên gia của thành phố Kitakyushu. Hội nghị giới thiệu chính sách của thành phố Kitakyushu thuộc tỉnh Fukuoka trên đảo Kyushu Nhật Bản đã mang lại những thông tin khoa học mới mẻ, cập nhật đầy hữu ích.

 

Giới thiệu về thành phố Kitakyushu Nhật Bản

Ngày 09 ở Nhật, lớp Keieijuku khóa 1 Hải Phòng đã nghe chuyên gia Sakagami- Sở Kế hoạch và Điều phối giới thiệu khái quát về thành phố Kitakyushu thuộc tỉnh Fukuoka trên đảo Kyushu, Nhật Bản. Kitakyushu có diện tích 491 km2, dân số 956 nghìn người, độ tuổi trung bình 46 tuổi, nhiệt độ trung bình 17 độ C. Hải Phòng và Kitakyushu đã ký thỏa thuận hợp tác hữu nghị từ năm 2009. Ngay sau khi ký thỏa thuận, các hoạt động trao đổi đoàn các cấp chính quyền doanh nghiệp và giao lưu văn hóa giữa hai địa phương đã được triển khai nhanh chóng và hiệu quả, với sự tài trợ của nhiều tổ chức trong đó có Jica. Thành phố Kitakyushu đã hỗ trợ Hải Phòng thực hiện rất hiệu quả các dự án về cấp nước, thoát nước, quy hoạch đô thị, nâng cao năng lực quản lý nhà nước, đào tạo cán bộ công chức, tổ chức hội thảo trao đổi kỹ thuật và tạo cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp hai thành phố. Vừa qua, Hải Phòng đã ký với Kitakyushu thỏa thuận hợp tác phát triển xây dựng thành phố Cảng xanh. Dự án nhằm nghiên cứu khả năng phát triển các dự án JCM; nghiên cứu tiềm năng cắt giảm CO2 và lựa chọn các dự án có thể triển khai trong ngắn hạn, nhận diện những dự án tuy có tiềm năng cắt giảm CO2 cao nhưng cần sự hỗ trợ dài hạn; hỗ trợ xây dựng kế hoạch tăng trưởng xanh của thành phố Hải Phòng, hỗ trợ xây dựng cơ chế quản lý dữ liệu cho mục đích đo lường lượng cắt giảm CO2 tại thành phố Hải Phòng… Dự án đã được Bộ Môi trường Nhật Bản ủng hộ, đồng tình, tạo điều kiện thực hiện. Thành phố Kitakyushu mong muốn nhận được sự hợp tác chặt chẽ, hiệu quả của thành phố Hải Phòng và các ngành, địa phương, doanh nghiệp liên quan.

 

Thăm và làm việc với Công ty Xà phòng Shabondama

Chiều ngày 09 ở Nhật lớp Giám đốc Chiến lược Keieijuku khóa 1 Hải Phòng đã có lịch thăm và làm việc với Công ty Xà phòng Shabondama thuộc tỉnh Fukuoka, Nhật Bản. Tham dự chương trình có đại diện lãnh đạo Jica; Đài PTTH Nhật Bản NHK ghi hình và đưa tin. Chủ đề cuộc làm việc: “Triết lý kinh doanh- Quan tâm đến môi trường”. Đại diện lãnh đạo Công ty Xà phòng Shabondama đã có bài thuyết trình về lịch sử hình thành và phát triển của công ty; mới mục tiêu kinh doanh: Mua bán, sản xuất xà phòng không chất phụ gia, mua bán sản xuất phát triển chất chữa cháy bằng xà phòng. Đoàn đã được giới thiệu thăm quan dây chuyền sản xuất của Công ty Xà phòng Shabondama với thiết bị chuyên dùng hiện đại. Đầu vào của doanh nghiệp hoàn toàn là các hương liệu tự nhiên như: dầu dừa, bột cám, mỡ bò,… vì thế sản phẩm của Shabodama đã thuyết phục được người tiêu dùng khó tính ở Nhật Bản và khu vực. Chất thải của nhà máy không làm ảnh hưởng đến môi trường đó là điều khác biệt và đáng biểu dương, học tập. Nhiều câu hỏi thú vị đã được đề ra và thảo luận. Cũng trong chương trình, lớp Kei 1 Hải Phòng đã ủng hộ nhà máy những sản phẩm mới ra lò để mang về quê hương làm quà cho bạn bè và người thân những bánh xà phòng không chất phụ gia, an toàn với môi trường.

 

Giới thiệu tỉnh Fukuoka Nhật Bản

Ngày 09 ở Nhật, chúng tôi đã tới tỉnh Fukuoka, tiếng Nhật: 福岡市 Fukuoka-shi; Hán-Việt: Phúc Cương Thị. Ba phía Fukuoka là ba mặt núi, và mặt phía bắc là biển Genkai; cách Tokyo 1.100 km, cách Seou l 540 km, cách Thượng Hải 870 km, Fukuoka khá gần gũi với Hàn Quốc và Trung Quốc, có sự giao thoa về văn hóa và kinh tế lâu đời.  Fukuoka được chia làm 7 khu: Higashi-ku, Hakata-ku, Chuo-ku, Minami-ku, Jonan-ku, Sawara-ku, Nishi-ku. Fukuoka còn là nơi sản sinh ra nhiều nghệ sỹ âm nhạc tài năng của Nhật Bản. Những tên tuổi lớn là Ayumi Hamasaki, “nữ hoàng” của J-POP, Chage & Aska, Shiina Ringo, Spitz, MISIA, YUI… Từ thập niên 1970, giới nghệ sĩ ở đây rất tự hào vì họ là nguồn gốc của loại nhạc Rock địa phương, “Mentai Rock”. Những năm gần đây, những buổi biểu diễn âm nhạc ngày càng được trẻ hóa do sự tình nguyện biểu diễn chung của những nhạc công địa phương cùng các nghệ sĩ nước ngoài đến đây. Những ban nhạc kết hợp kiểu này có thể kể Fever, Cut Flowers, Dr. Funkinstein, F8 & The Routes. Trung tâm của thành phố Fukuoka nhìn ra cảng Hakata, bến cảng từ lâu nay đã góp phần tạo điều kiện cho sự thịnh vượng của khu vực thông qua các hoạt động thương mại với các nước khác trong khu vực châu Á. Ngoài việc là trung tâm hành chính và kinh tế của tỉnh, thành phố Fukuoka còn là một trung tâm thương mại nhộn nhịp, nơi khởi nguồn của những trào lưu thời trang, văn hóa lan ra khắp nước Nhật. Fukuoka là một trung tâm kinh tế phát triển ở Nhật Bản cùng với thiên nhiên tươi đẹp, lịch sử lâu đời.

 

Thăm và làm việc với Công ty Cổ phần Takagi

Ngày 10 ở Nhật, lớp Giám đốc Chiến lược Keieijuku khóa 1 Hải Phòng đã có lịch thăm và làm việc với Công ty Cổ phần Takagi tại tỉnh Fukuoka Nhật Bản. Chủ đề chương trình: “Chiến lược kinh doanh, cân bằng giữa cuộc sống và công việc”. Cùng tham dự chương trình có đại diện lãnh đạo Jica; phóng viên báo Nhật Bản đến phỏng vấn, chụp hình và đưa tin. Đại diện lãnh đạo Công ty Cổ phần Takagi đã có bài giới thiệu tổng quan về hoạt động của công ty, với các hoạt động kinh doanh: Mua bán, sản xuất, phát triển sản phẩm dùng để làm vườn cho gia đình; Máy lọc nước dùng cho gia đình, sản phẩm tiết kiệm năng lượng; Kinh doanh khuôn, gia công tạo hình ép phun nhựa plastic. Hiện Công ty Cổ phần Takagi có nhà máy sản xuất đặt tại tỉnh Hưng Yên, Việt Nam. Công ty Cổ phần Takagi cũng đã thành lập xong Công ty liên doanh tại thành phố Hải Phòng (Công ty JMT) có trụ sở đặt tại khuôn viên kiến trúc Công ty TNHH một thành viên Cấp nước Hải Phòng. Công ty JMT kinh doanh các sản phẩm: Thiết bị tiền xử lý đặc biệt trong các nhà máy xử lý nước hiện có, có khả năng khử NH4, Mangan; Nhờ việc lắp đặt U-BCF, cung cấp nước máy có thể uống được; Ở các khu vực có lắp đặt U-BCF chỉ cần vòi nước có thiết bị lọc bên trong là có thể dùng nước tinh khiết an toàn. Phương thức quản lý cùng những phát minh sáng chế của Công ty Cổ phần Takagi là những kinh nghiệm quí báu dành cho đoàn doanh nhân lớp Kei 1 Hải Phòng.

 

Buổi trưa ở tỉnh Fukuoka Nhật Bản

Trưa ngày 10 ở Nhật, lớp Kei 1 Hải Phòng đã ăn trưa tại tỉnh Fukuota Nhật Bản. Hôm nay là tròn 10 ngày chúng tôi sống và làm việc tại Nhật Bản. Chúng tôi đã được hưởng không khí mát mẻ dễ chịu, cuộc sống đầy đủ tiện nghi, an ninh tuyệt đối, những hàng cây xanh mát, những con đường sạch sẽ không bụi bặm; Đặc biệt chúng tôi đã được tiếp xúc với những người bạn Nhật Bản, đó là những doanh nhân giàu có, nhà xưởng khang trang, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm, hàng ngàn người; nhưng lúc nào cũng khiêm nhường, lịch sự, chu đáo. Nhớ lại những năm 1905- 1909 nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu đã tổ chức phong trào “Đông Du” đưa những thanh niên Việt Nam theo con đường biển đi từ Hải Phòng do thủ thủy viễn dương Nguyễn Hữu Tuệ cầm lái sang Nhật du học mở mang kiến thức. Những tên tuổi như: Phan Bội Châu, Tăng Bạt Hổ, Phan Chu Trinh, Cường Đế, Nguyễn Thượng Hiền, Nguyễn Hữu Tuệ,… còn sáng đến hôm nay. Trong suốt 5 năm ấy, dấu chân những chí sĩ yêu nước “Đông Du” thuở nào như còn lưu dấu nơi này. Và hôm nay thế hệ chúng tôi, những doanh nhân Đất Cảng, một lần nữa mong muốn được học hỏi những kiến thức của các doanh nhân Nhật Bản về áp dụng quản trị doanh nghiệp của mình sao cho ngày một phát triển bền vững, góp phần xây dựng thành phố quê hương.

 

Thăm và làm việc với Ban quản lý dự án Kitakyushu Eco- Town

Chiều ngày 10 ở Nhật, lớp Giám đốc Chiến lược Keieijuku khóa 1 Hải Phòng đã có lịch thăm và làm việc với Ban quản lý dự án Kitakyushu Eco- Town. Chủ đề làm việc: “Quan tâm đến môi trường- Tái chế”. Chức năng của Kitakyushu Eco- Town: Tận dụng tất cả rác thải làm nguyên liệu cho các lĩnh vực sản xuất khác, nhằm hướng tới mục đích cuối cùng là không còn rác thải (không rác thải), xây dựng một xã hội sử dụng tuần hoàn tài nguyên. BQL dự án đã đưa đoàn lớp Kei 1 Hải Phòng thăm quan các nhà máy: Nhà máy xử lý ôtô cũ; Nhà máy xử lý vỏ lon hộp nước ngọt;… với những công nghệ xử lý rác thải hiện đại, tiên tiến. Chặng đường hoạt động môi trường của thành phố Kitakyushu đã được tái tiện qua những thước phim tài liệu từ năm 1901 đến năm 2011. Thành phố Kitakyushu đã được lựa chọn là đặc khu chiến lược quốc tế châu Á- Thành phố môi trường kiểu mẫu về tăng trưởng xanh. Đó còn là thành phố phát triển cân bằng giữa bảo vệ môi trường và tăng trưởng kinh tế. Và đặc biệt các chính sách đô thị của thành phố Kitakyushu có thể làm tham khảo cho các địa phương khác trong đó có Hải Phòng, Việt Nam. Chuyến thăm và làm việc với Ban quản lý dự án Kitakyushu Eco- Town đã để lại nhiều suy nghĩ ấn tượng trong các doanh nhân học viên lớp Kei 1 Hải Phòng.

 

Những ngày ở Trung tâm Jica Kyushu Nhật Bản

Đoàn lớp Giám đốc Chiến lược Keieijuku khóa 1 Hải Phòng trong chuyến thực tập 14 ngày ở Nhật, có 7 ngày ở Jica Tokyo và 7 ngày ở Jica Kyushu. Những ngày chúng tôi ở Jica Kyushu đã được đón tiếp trọng thị. Mỗi học viên được bố trí ở trong một căn phòng 4×6= 24m2 đầy đủ tiện nghi. Nội thất có bàn làm việc, giường ngủ, tủ lạnh, tivi, điều hòa nhiệt độ, tủ quần áo, vệ sinh khép kín. Mỗi học viên được phát thẻ ra vào cửa trung tâm theo chế độ khóa từ, thẻ nhà ăn mỗi ngày 3 bữa. Ngoài ra trong các chuyến đi thực tế ở xa, Jica đều bố trí phương tiện đưa đón chu đáo. Chúng tôi có 3 chuyến bay do Jica tài trợ là bay từ Hà Nội đến Tokyo, bay từ Tokyo đến Kitakyushu và bay từ Kyushu về Hà Nội. Trung tâm Jica Kyushu Nhật Bản có khuôn viên rộng rãi, quang quẻ sạch sẽ ngợp bóng cây xanh. Những chuyên gia Jica Kyushu luôn nhiệt tình với các doanh nhân học viên. Đặc biệt các phiên dịch như anh Hiếu, chị Hảo, không chỉ là chức năng của một phiên dịch thông thường, mà đối với chúng tôi, đã như những anh chị thân thiết; Tư vấn cho chúng tôi những lần gặp gỡ với doanh nghiệp, doanh nhân Nhật Bản, nét văn hóa, ẩm thực và các địa danh, địa chí trên đất nước Nhật Bản. Những ngày chúng tôi sống và làm việc trước đây ở TT Jica Tokyo và bây giờ là TT Jica Kyushu là những tháng ngày ấn tượng ý nghĩa.

 

Ẩn hiện sớm mai ở Jica Kyushu Nhật Bản

Ngày 11 ở Nhật, chúng tôi thức dậy từ 5h sáng (lúc này ở Việt Nam đang là 3h sáng) và đi dạo một vòng quanh TT Jica Kyushu thuộc thành phố Kitakyushu, tỉnh Fukuoka trên đảo Kyushu Nhật Bản. Hàng ngày từ 5h đến 6h sáng, tôi và anh Nhãn- Chủ tịch HĐQT Công ty CP chế biến thủy sản Cát Hải với thương hiệu nổi tiếng “Nước mắm Cát Hải” thường cùng nhau đi tập thể dục và dạo quanh Jica Kyushu Nhật Bản để ngắm phong cảnh. 5h nhưng trời đã sáng rõ, những con đường sạch sẽ, những hàng cây xanh tươi; Đặc biệt là những công trình kiến trúc với các kiểu dáng khác nhau ẩn hiện trong sớm mai trong lành. Cửa và hàng rào rất thấp và các phương tiện giao thông như ôtô, xe máy, xe đạp được người dân để khá thoải mới. Nơi đây không có khái niệm “trộm cắp” như những nơi nào. Tín hiệu đèn giao thông được mọi người chấp hành chỉn chu mặc dù trời còn khá sớm. Những cây cảnh quí như hoa hồng, địa lan, mẫu đơn,… được người dân trồng thoải mái trước nhà đang đơm hoa tỏa hương. Tại trung tâm gần ga tầu điện có một bức tượng người mẹ và hai con nhỏ đang dang tay đón đợi, đằng sau tượng là ngọn núi với tháp thiên văn trên đỉnh như Đài Phù Liễn ở Kiến An, Hải Phòng. 7h Jica mới mở cửa, tôi ở phòng 326, anh Nhãn ở phòng 327 phải dùng thẻ điện tử đi qua cổng bảo vệ và đăng ký để có một tiếng từ 5h đến 6h sáng dạo một vòng tập thể dục và ngắm phong cảnh quanh Jica Kyushu.

 

Thăm và làm việc với trường dạy nghề ôtô Ohara- Subaru

Sáng ngày 11 ở Nhật, đoàn lớp Giám đốc Chiến lược Keieijuku khóa 1 Hải Phòng đã có lịch thăm và làm việc với trường dạy nghề ôtô Ohara- Subaru ở số 1-1-1 phường Miyano Machi, quận Yahata Higashi, thành phố Kitakyushu, tỉnh Fukuoka, Nhật Bản. Ông Hiroo Ito- Hiệu trưởng nhà trường đã giới thiệu với đoàn cơ sở vật chất của nhà trường từ phòng học tiếng Nhật, phòng học lý thuyết, phòng thực hành sửa chữa ôtô. Ông cũng giới thiệu đến đoàn những chuyên gia giảng viên giỏi của nhà trường luôn tận tâm tận lực với sinh viên. Đặc biệt ông giới thiệu đến đoàn 4 nam học sinh ưu tú của nhà trường người Việt Nam, các em không chỉ học giỏi, tự lo được đời sống sinh hoạt không phải xin tiền hỗ trợ của gia đình và vừa qua cả 4 em đã thi đỗ vào các công ty sửa chữa ôtô ở Nhật Bản. Nhà trường mong muốn trong thời gian tới tiếp tục nhận được các đơn đăng ký tham gia học tại trường của học sinh trên toàn thế giới trong đó có Việt Nam. Tháng 9/2017, trường dạy nghề ôtô Ohara- Subaru sẽ cử đại diện về Hải Phòng kết hợp với VP Hội khoa học phát triển nguồn nhân lực nhân tài Hải Phòng tham gia tuyển sinh học sinh tại Hải Phòng. Các bạn muốn có con em trở thành thợ sửa xe ôtô giỏi theo tiêu chuẩn Nhật Bản thì đăng ký nhé.

 

Tòa thành “Kokura”

Ngày 11 ở Nhật trên đường đến Trụ sở Thị chính Thành phố Kitakyushu; chúng tôi đã dừng lại thăm quan chụp ảnh Tòa thành “Kokura” nổi tiếng. Kể từ thời Edo (1603- 1868), Kokura đã phát triển rực rỡ như một kinh thành. Tòa thành Kokura, biểu tượng của thành phố, được lập nên bởi Tadaoki Hosokawa vào năm 1602. Trong khuôn viên Tòa thành là Khu vườn thượng uyển Kokura, nơi du khách có thể tìm hiểu các quy tắc nghi lễ truyền thống của Nhật Bản, và Bảo tàng tưởng niệm Matsumoto Seicho, nơi tưởng nhớ vị đại văn hào thế giới cùng những tác phẩm của ông. Do vậy, nơi đây trở thành trung tâm văn hóa của Kitakyushu. Bạn có thể đến đây thưởng thức phong cảnh tươi đẹp với dòng sông xanh mát. Khu chợ Tanga và nơi văn hóa ẩm thực truyền thống Nhật Bản. Văn hóa sống động địa phương được người dân nơi đây thể hiện đãi lòng du khách phương xa. Những món quà lưu niệm, những sản vật địa phương, Và hơn cả là không khí trong lành mát dịu ngợp bóng cây xanh. Đến với tòa thành “Kokura” như cùng ngợp trong không khí lịch sử và văn hóa truyền thống vùng miền của đất nước Nhật Bản.

 

Gặp gỡ với Thị trưởng Thành phố Kitakyushu

Sáng ngày 11 ở Nhật, theo lịch hẹn trước; Lớp Giám đốc Chiến lược Keieijuku khóa 1 Hải Phòng đã có cuộc gặp gỡ giao lưu với ông Kenji Kitahashi- Thị trưởng Thành phố Kitakyushu. Tham dự chương trình có đại diện lãnh đạo các sở ban ngành của thành phố, đại diện các hiệp hội hai nước Việt Nam, Nhật Bản. Thị trưởng đã có bài phát biểu khai mạc giới thiệu tổng quan thành phố Kitakyushu trong đó đặc biệt là sự hợp tác giữa Kitakyushu với Hải Phòng trong những năm qua với những ký kết quan trọng giữa lãnh đạo hai thành phố, giữa các doanh nghiệp và các tổ chức hiệp hội giữa hai thành phố. Thị trưởng đặc biệt ngợi ca lễ hội hoa phượng đỏ và ẩm thực Hải Phòng. Đại diện lãnh đạo Hội khoa học phát triển nguồn nhân lực nhân tài Hải Phòng đã có bài phát biểu cám ơn sự đón tiếp nồng hậu của thị trưởng thành phố Kitakyushu và tặng thị trưởng bức tranh phong cảnh Cát Bà. Đại diện lớp Giám đốc Chiến lược Keieijuku khóa 1 Hải Phòng phát biểu cám ơn những hợp tác của các doanh nhân Nhật Bản và tặng thị trưởng biểu tượng in hình Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Thị trưởng thành phố Kitakyushu vui mừng trước tình cảm đặc biệt của đoàn Lớp Giám đốc Chiến lược Keieijuku khóa 1 Hải Phòng, mong sẽ có dịp tiếp tục được giao lưu gặp gỡ với các doanh nhân Đất Cảng và chúc cho tình cảm cũng như mối quan hệ hợp tác giữa hai thành phố Hải Phòng và Kitakyushu ngày một bền vững.

 

Một số hình ảnh kiến trúc trung tâm thành phố Kitakyushu

Kiến trúc cảnh quan chụp từ tầng 15 tòa nhà Thị chính thành phố Kitakyushu Nhật Bản, thành phố kết nghĩa với thành phố Hải Phòng, Việt Nam. Kitakyushu được coi là thành phố quốc tế, công nghiệp và thương mại với dân số khoảng một triệu người, được thành lập vào tháng 2 năm 1963 trên cơ sở hợp nhất bình đẳng giữa năm thành phố: Moji, Kokura, Wakamatsu, Yahata và Tobata. Kitakyushu được biết đến lần đầu tiên trong lịch sử vào những năm 1600. Trong thời gian đó, Tòa thành Kokura được xây dựng, và vùng đất này sau đó phát triển phồn thịnh như một kinh đô trở thành trung tâm của các hoạt động thương mại và hành chính của vùng Kyushu. Chính quyền Minh Trị, hình thành vào nửa cuối thế kỷ 19, đã đặc biệt quan tâm đến những lợi thế về vị trí địa lý của khu vực Kitakyushu, vốn một thời phồn thịnh như một đầu mối giao thông đường bộ và đường biển quan trọng. Ngoài việc phát triển thương mại, đường sắt và các dịch vụ cảng cũng nhanh chóng được xây dựng trong khu vực; kể từ đó, nơi đây đã trở thành một trung tâm thương mại, sản xuất và giao thông nổi tiếng tại Nhật Bản.

 

Hội thảo giao lưu giữa các doanh nhân Việt Nam với các doanh nhân Nhật Bản

Chiều ngày 11 ở Nhật, tại hội trường trung tâm Jica Kyushu; Đã diễn ra hội thảo giao lưu giữa các doanh nhân Việt Nam với các doanh nhân Nhật Bản. Mở đầu hội thảo là phát biểu đề dẫn do Jica trình bày. Tiếp đó là tham luận của đại diện Hội khoa học phát triển nguồn nhân lực nhân tài Hải Phòng và Viện phát triển nguồn nhân lực Việt Nam- Nhật Bản VJCC. Hội nghị đã nghe tham luận của đại diện các doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam, trong đó nổi bật những thế mạnh của Việt Nam về các lĩnh vực: Hàng hải, Xi măng, Cấp nước, Nước mắm, Sơn công nghiệp và giao thông, Xây dựng, Thủy lợi, Logicstich,… Về phía Nhật Bản là các lĩnh vực: Công nghiệp nặng, Đào tạo, Thông gió, Chế tạo máy, Ô tô, Xà phòng, Thiết bị xây dựng, Xử lý môi trường,… Kết thúc hội thảo là tọa đàm café Doanh nhân là dịp để các doanh nhân Việt Nam và Nhật Bản gặp gỡ đối thoại, trao đổi danh thiếp. Nhiều hợp đồng ghi nhớ đã được thiết lập với mong muốn giao thương kết nối, chia sẻ thị trường giữa doanh nhân doanh nghiệp hai nước Việt Nam và Nhật Bản.

MT

Bài viết khác

Tác giả: minhtri