TẾT TÂN SỬU 2021

Tết Tân Sửu 2021 với: Đầu tuần gặp gỡ nghệ nhân Vân Nam; Trao đổi tìm hiểu về Đền Tam Kỳ; Sơ kết cuộc thi sáng tác truyện ngắn và thơ với đề tài “Người Hải Phòng”; Trao đổi tìm hiểu về Đền Chợ Giá Mỹ Giang: Mời các bạn tham dự cuộc thi Thơ Haikư Việt- Hà Nội năm 2021; Trao đổi tìm hiểu về Hồ Yên Trung; Lễ Tất niên; Ngày mùng 1 Tết Tân Sửu; Đầu năm đi lễ Chùa Vẽ; Chiêm bái dâng hương Đình Lạc Viên; Chiêm bái Đền Tiên Nga; Du Xuân ở công viên Nguyễn Du; Chiêm bái Đình Dư Hàng; CLB Văn hóa Đất Cảng du Xuân.

 

Đầu tuần gặp gỡ nghệ nhân Vân Nam

Ngày 8/2/2021, theo lịch hẹn trước, chúng tôi đã có cuộc giao lưu gặp gỡ với nghệ nhân Vân Nam tại tư gia. Ông Vân Nam tên khai sinh là Nguyễn Kim Tín, nay ở tuổi 90 nhưng ông luôn vui khỏe minh mẫn. Ông đã trải qua nhiều chức vụ trong quá trình công tác, nhưng chức vụ mà ông thích nhất khi khoe với chúng tôi là Chủ tịch Hội Nhà cổ Hải Phòng. Nhân ngày đầu tuần ông đã kể cho chúng tôi nghe 22 kỷ niệm sâu sắc trong cuộc đời ông là: 1/Thời niên thiếu năm 1943-1945; 2/Tham gia đội chống giặc bắt lính trong vùng địch kiểm soát; 3/Tham gia cứu dân trong trận bão 1955; 4/Làm bèo hoa dâu điển hình; 5/Đội thiếu niên “Đuốc sống”; 6/Đạp xe lên Yên Tử trao cờ quyết thắng; 7/Xóa bỏ cơ chế bao cấp về xem bóng đá; 8/Tiếp khách lãnh đạo thành phố; 9/Cơ chế về du lịch; 10/Cơ chế ngành Ngoại thương; 11/Quán Phong Lan; 12/Thành lập Công ty Dịch vụ phi mậu dịch; 13/Xóa đăng ký xe đạp; 14/Xóa bỏ tem phiếu; 15/Nâng cấp sân bay Cát Bi; 16/Thành lập Công ty hàng không Pacific Airlines; 17/Thành lập Công ty Thuốc lá Hải Phòng; 18/Thành lập Casino Đồ Sơn; 19/Khôi phục ca trù Hải Phòng; 20/Quản lý và phát triển nhà gỗ; 21/Hoạt động sinh vật cảnh; 22/Quê hương làng Ngọc Tỉnh, xã Tân Trào.

 

Trao đổi tìm hiểu về Đền Tam Kỳ

Đền Tam Kỳ nằm trong Công viên Tam Bạc, TP Hải Phòng; kiến trúc tâm linh cảnh quan thông thoáng ngã ba sông. Đền thờ Quan đệ Tam Bơ Phủ và Chúa Bà Năm Phương, đó là những Linh Địa Trấn thủ. Thời xưa, tất cả các thuyền buôn muốn vào Hải Phòng buôn bán phải có ấn, giấy Chúa Bà Năm Phương đóng. Bơ Phủ Vương Quan, là con trai thứ ba của Vua Cha Bát Hải Động Đình. Dưới thời Hùng Vương, ông cùng 2 em lên giúp Vua Hùng chỉ huy thuỷ binh, được nhân dân tôn thành “Tam Vị Đại Vương”, trong đó Quan Đệ Tam là người anh cả trong ba người. Ông hoá đi về chầu Long Cung, là người cầm cân nảy mực thông tri Tam Giới, quyền cai các thanh đồng đạo quan, còn gọi là Ông Cai Đầu Đồng. Khi thanh nhàn ông truyền ba quân tập hợp thuyền bè phù hộ cho ngư dân. Những người đã ra hầu Tứ Phủ, ai cũng phải hầu về Quan Đệ Tam. Khi ngự đồng, ông mặc áo trắng thêu rồng, hổ phù, làm lễ tấu hương, khai quang, chứng sớ điệp và ông múa đôi song kiếm. Khi có đại tiệc khai đàn mở phủ, người ta thỉnh quan về chứng đàn Thoải Phủ gồm có long chu phượng mã, lốt tam đầu cửu vĩ tất cả đều màu trắng. Vì danh tiếng nên Quan Lớn Đệ Tam được lập đền thờ phụng ở khắp nơi trong đó có Đền Tam Kỳ trong công viên Tam Bạc, TP Hải Phòng. Ngày tiệc của Quan Bơ Phủ là ngày 24/6 âm lịch, tương truyền là ngày đản nhật giáng sinh của ông, vậy nên trong hát văn có câu rằng: “Đản hai tư tháng sáu xưng thần/ Khắp Trung, Nam, Bắc muôn dân đảo cầu”.

 

Sơ kết cuộc thi sáng tác truyện ngắn và thơ với đề tài “Người Hải Phòng”

Ngày 9/2/2021, BTC cuộc thi sáng tác truyện ngắn và thơ với đề tài “Người Hải Phòng” do Hội Liên lạc Việt Kiều Hải Phòng tổ chức đã có cuộc họp sơ kết lần 02. Tính đến ngày 9/2/2021, BTC đã nhận được 85 bài thơ và 21 truyện ngắn dự thi của 45 tác giả đến từ 13 tỉnh thành và 7 nước trên thế giới. Đã có 24 bài thơ và 7 truyện ngắn qua vòng sơ khảo và được đăng trên trang web vietkieuhp.com. Mỗi truyện ngắn không quá 3.000 từ và thơ không quá 30 dòng vi tính cỡ chữ 14, font Times New Roman. Nội dung ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp của người Hải Phòng ở thành phố, toàn quốc và trên toàn thế giới. Tác giả cần ghi rõ họ tên, địa chỉ, điện thoại, email để tiện liên lạc. Bài dự thi xin gửi về theo địa chỉ: Hội LL Việt Kiều Hải Phòng, số 58 Điện Biên Phủ, TP Hải Phòng. Gửi email: hoivietkieuhp@gmail.com. Ban giám khảo là các Nhà văn, Nhà thơ uy tín Trung ương và Thành phố. Giải thưởng: 01 giải nhất, 02 giải nhì, 03 giải ba, 04 giải tư và các giải khuyến khích. BTC nhận bài dự thi đến hết ngày 31/08/2021. Lễ tổng kết và trao giải sẽ được tổ chức vào tháng 10/2021. BTC cuộc thi sáng tác truyện ngắn và thơ với đề tài “Người Hải Phòng” mong được sự hưởng ứng nhiệt tình của các tác giả ở Hải Phòng cũng như các tác giả là người Việt Nam ở trong và ngoài nước. BTC

 

Trao đổi tìm hiểu về Đền Chợ Giá Mỹ Giang

Đền Chợ Giá Mỹ Giang tọa lạc tại xã Kênh Giang, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng. Đền Chợ Giá Mỹ Giang- Di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng, rộng 2.366m2, tục truyền được xây dựng từ thời nhà Lý (1010-1225) dành để tôn thờ thánh nữ Càn Quý cô nương Phạm Đình Quân công chúa Phổ Thị Huyền là con cụ Phổ Danh Nguyên, chị gái của 2 vị dũng tướng Phổ Hóa và Phổ Hộ, có công âm phù giúp vua Lý đánh giặc Nguyễn Ngao. Tục truyền Thượng Công hộ giá vua Nhân Tông đem đại quân ra vùng cửa biển Bạch Đằng đánh giặc Nguyễn Ngao. Đêm xuống, nhà vua nghỉ lại tại chùa Giang Tân cạnh An Lâm thị (tức chợ Giá- Mỹ Giang). Nửa đêm, nhà vua nằm mơ thấy một người con gái trẻ kiều diễm đến bên, quỳ xuống tâu rằng: “Thiếp là con gái họ Phổ ở trang này, do phận mỏng bị mất sớm, không thể trực tiếp theo giúp đánh giặc cứu nước, cứu dân. Thiếp có hai người em trai văn võ toàn tài, có thể giúp vua dẹp tan giặc dữ và thiếp xin được âm phù trợ lực cho đại vương”. Khi tỉnh dậy, nhà vua liền sai triệu tập các bô lão và dân chúng quanh vùng An Lâm thị hỏi sự việc xảy ra trong giấc mơ. Sau khi đã rõ sự tình, vua bèn sai người ra chợ Giá vời anh em Phổ Hộ và Phổ Hoá đến bên, hỏi về kế sách đánh giặc, cả hai trả lời rất lưu loát và đều xin được tòng quân giúp nước. Trận này, nhờ có Thượng Công chỉ huy đạo quân thủy phối hợp ăn ý với cánh quân bộ do hai tướng Phổ Hộ và Phổ Hoá làm tả hữu tiên phong, quân ta thắng to, tướng giặc Nguyễn Ngao bị bắt sống.

 

Mời các bạn tham dự cuộc thi Thơ Haikư Việt- Hà Nội năm 2021

Ngày 10/2/2021, CLB Thơ Haikư Việt chính thức phát động cuộc thi Thơ Haikư Việt- Hà Nội năm 2021. Tên cuộc thi “12 năm Thơ Haikư Việt- Hà Nội”. Chủ đề “Quê hương đất nước và con người Việt Nam”. Đối tượng tham gia là hội viên Haikư Việt các CLB, các bạn sáng tác thơ Haikư Việt trong nước, kiều bào Việt Nam không kể tuổi tác, nam nữ. Phát động từ 10/2/2021 đến 31/8/2021; Chấm thi tháng 9/2021; Trao giải vào tháng 10/2021. Quy định gửi bài dự thi: số lượng 05 bài Haikư Việt theo cấu trúc hiện hành của Hiệp hội Haiku Thế giới- World Haiku Association WHA; Ngôn ngữ tiếng Việt; Một câu chia 3 dòng, có vần hay không vần, không quá 17 từ. Văn bản sử dụng thống nhất Font Unicode; chỉ gửi một lần. Phần trên ghi: Thơ dự thi Haikư Việt 2021, Họ tên- Nam, nữ- Địa chỉ- Nghề nghiệp- Email- Số điện thoại; Phần dưới ghi 05 bài thơ dự thi đánh số theo thứ tự. Hạn gửi bài dự thi: Từ ngày 10/2/2021 đến hết ngày 31/8/2021; Bài dự thi gửi qua email: haikuvietvn@gmail.com. Bài dự thi qua sơ khảo được đăng trên trang web: haikuviet.com, mục: Thơ dự thi, bài dự thi khi đăng được mã hóa, không đề tên tác giả. Giải thưởng 15 giải: Giải A: 2 giải; Giải B: 4 giải; Giải C: 8 giải; Giải đặc biệt: 1 giải. Lễ tổng kết: Vào trung tuần tháng 10/2021 tại Hà Nội, cùng sự kiện Hội thảo Thơ Haikư Việt Hà Nội lần thứ 3 do CLB Haikư Việt- HN tổ chức.

 

Trao đổi tìm hiểu về Hồ Yên Trung

Hồ Yên Trung ở phường Phương Đông, TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Yên Trung là hồ nước nhân tạo rộng 100ha với cảnh đẹp tự nhiên trong lành, mát mẻ. Cảnh quan hồ là những cánh rừng thông lâu năm rộng lớn, trong hồ có nhiều đảo nổi tôn thêm vẻ đẹp mộng mơ. Tạo điểm nhấn trong khu cảnh quan Hồ Yên Trung là khu vực tiểu cảnh với các hạng mục: Vườn Địa đàng, cầu Tình yêu, lầu Vọng Nguyệt và bộ chữ “Hồ Yên Trung” trên đảo nổi. Cầu tình yêu với kiến trúc được xây dựng dựa trên ý tưởng từ những cây cầu treo ổ khóa tình yêu nổi tiếng trên thế giới. Cầu hình vòng cung dài 60m, rộng 1,4m, chiều cao trụ cầu sâu nhất là 5,2m. Nhiều bạn trẻ đến đây không chỉ để ngắm cảnh mà còn coi hồ Yên Trung như một điểm hẹn vĩnh cửu của tình yêu khi cùng nhau treo ổ khóa tình yêu của mình lên cầu. Đến với hồ Yên Trung, du khách không chỉ được thỏa sức phóng tầm mắt ngắm cảnh mặt hồ phẳng lặng, những rặng thông xanh rì rào trong gió mà còn được thả bộ trên những con đường mòn bình yên, lãng mạn. Đặc biệt, khu du lịch sinh thái này còn có điểm cắm trại, khu phục vụ ăn uống với nhiều món ăn dân giã.

 

Lễ Tất niên

Ngày 11/2/2020, tức ngày 30 tháng Chạp, năm Canh Tý, tôi làm lễ Tất niên. Năm nay Hòa thượng Thích Thanh Giác- Phó Trưởng ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Trưởng ban Thường trực Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hải Phòng, Trụ trì Chùa Phổ Chiếu, Chủ nhiệm CLB Hải Phòng học tặng cho mỗi hội viên CLB Hải Phòng học một bộ văn khấn trong đó có sớ lễ ngày Tất niên. Lễ Tất niên gắn liền với Tết Nguyên đán. Đối với người phương Đông, nhất là Việt Nam, Trung Hoa, kể cả một số nước chịu ảnh hưởng của văn hóa người Trung Hoa cổ đại như Nhật Bản, Triều Tiên, người ta xem ngày chuyển giao năm cũ và năm mới rất quan trọng. Cuối năm âm lịch, lễ Tất niên đánh dấu một năm đã qua và hướng đến những điều tốt đẹp cho năm mới. Tất niên là dịp soát xét tất cả hoạt động gọi là công nợ trong năm, nợ nần ai thì bằng mọi cách trả cho xong trước ngày 30 Tết, tránh không để nợ nần kéo dài sang năm mới. Lễ Tất niên còn là dịp các thành viên trong gia đình tụ họp, ngồi lại với nhau sau một năm làm việc vất vả. Các con cháu tưởng nhớ tổ tiên và cảm tạ trời đất. Để chuẩn bị cho lễ Tất niên, việc dọn dẹp nhà cửa, sân vườn cần tươm tất, đặc biệt là chăm chút lau dọn ban thờ đón Tết đầm ấm.

 

Ngày mùng 1 Tết Tân Sửu

Ngày 12/2/2021, mùng 1 Tết Tân Sửu tại trung tâm thành phố Hải Phòng trời nắng nhẹ mát mẻ. Do việc thực hiện dãn cách xã hội phòng chống đại dịch Covid, đường phố quang đãng ít người di chuyển. Giao thừa đêm qua, đa số người dân ở trong nhà đón xuân qua màn hình tivi truyền hình trực tiếp một điểm bắn pháo hoa tại khu du lịch quốc tế Đồ Sơn. Chúng tôi qua chúc Tết gia đình bên nội, bên ngoại; đi lễ tại một số điểm tâm linh quen thuộc. Tại dải công viên cây xanh trung tâm thành phố và quảng trường Nhà hát lớn thành phố đã được trang hoàng đẹp đẽ với cây xanh, vườn hoa muôn sắc, cờ hồng, một số người dân đã tới đây chụp những bức ảnh kỷ niệm ngày mùng 1 Tết Tân Sửu. Một số tục lệ diễn ra hàng năm nhưng đến năm nay không thực hiện được, đó là cùng nhau có mặt tại nhà văn hóa khu phố rồi đến từng nhà chúc Tết. Năm nay phần lớn mọi người chúc Tết nhau qua các ứng dụng điện thoại thông minh như: Zalo, Fb, Viber, Email; Mừng tuổi cho nhau qua ví điện tử, tài khoản số. Mùng 1 Tết Tân Sửu tiết trời đẹp, hứa hẹn một năm mới sẽ vượt qua thử thách mang lại niềm vui hạnh phúc cho mọi nhà.

 

Đầu năm đi lễ Chùa Vẽ

Ngày 12/2/2021, mùng 1 Tết Tân Sửu, chúng tôi chiêm bái và dâng hương tại Chùa Vẽ có tên chữ là Hoa Linh Tự, gắn liền với những sự kiện oanh liệt chống ngoại xâm của quân dân ta trong chiến thắng Bạch Đằng năm 938 của Ngô Vương Quyền và chiến thắng Bạch Đằng năm 1287- 1288 của quân dân ta thời Trần. Truyền sử địa phương ghi rõ các thám tử của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã sử dụng ngôi chùa này để quan sát đồn trại giặc và vẽ sơ đồ chuẩn bị cho trận đánh Bạch Đằng năm 1288 thắng lợi. Chùa Vẽ là một công trình kiến trúc nghệ thuật cổ còn khá nguyên vẹn, nguy nga. Toà Phật điện cấu trúc hình chữ “Đinh” gồm 5 gian tiền đường và 4 gian chuôi vồ. Kèm hai bên hậu cung là hai ngôi nhà chè nhỏ, nơi đặt bàn thờ “Tam toà Thánh Mẫu” và “Đức Ông bản thổ”. Bàn thờ Trần Hưng Đạo, vị tổng chỉ huy quân đội nhà Trần được lập ở gian phía trái toà tiền đường. Những hiện vật còn được bảo tồn đều là cổ vật quí giá, đặc biệt là hệ thống tượng tháp, tượng thánh thần, tượng Hậu phật, tượng Sư tổ. Ngày 25/1/1994, Chùa Vẽ được nhà nước công nhận là di tích lịch sử Quốc gia.

 

Chiêm bái dâng hương Đình Lạc Viên

Ngày 12/2/2021, mùng 1 Tết Tân Sửu, chúng tôi chiêm bái dâng hương ở Đình Lạc Viên tọa lạc trên đường Đà Nẵng thuộc phường Lạc Viên quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng. Đây là ngôi đình có trên 500 năm lịch sử của làng cổ Lạc Viên xưa. Đình Lạc Viên thờ 6 vị Thần Hoàng Làng trong đó Đức Vua Ngô Quyền là Chủ Thần; còn lại là các vị: Đông Hải Đại Vương Đoàn Thượng; Nam Hải Đại Vương Phạm Tử Nghi; Bản lộ Đô thống Đông Hải Quý Minh Đại Vương; Nam Dương Đệ nhất Quý Nương Minh Diệu và thờ Hồng Ninh Trung Tông Hoàng Đế chính là Hoàng đế Mạc Mậu Hợp. Đình có 58 sắc phong của các triều đại phong kiến. Đình Lạc Viên có công trong các cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Đình Lạc Viên là di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Ngày 6,7 tháng giêng: Tế lễ khai xuân; Ngày 17 tháng giêng: ngày hóa Đức vương Ngô Quyền; Ngày 15/8: Tế lễ Thượng Điền; Ngày 14/9: ngày hóa Thánh Nam Hải Đại Vương Phạm Tử Nghi; Ngày 6 tháng Chạp: ngày hóa Thánh Đông Hải Đại Vương Đoàn Thượng; Ngày 7 tháng Chạp: vinh danh tổ tiên thập nhị tộc làng cổ Lạc Viên.

 

Chiêm bái Đền Tiên Nga

Ngày 12/2/2021, mùng 1 Tết Tân Sửu, chúng tôi chiêm bái và dâng hương tại Đền Tiên Nga tọa lạc ở số 53 Lê Lợi, phường Máy Tơ, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng. Đền Tiên Nga phụng thờ Đức Vũ Quận Quyến Hoa Công chúa, bà là nữ tướng lo việc quân lương giúp đức Ngô Quyền đánh tan quân xâm lược Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm 938 mở ra kỷ nguyên độc lập sau hơn 1000 năm Bắc thuộc. Năm 1924 vua Khải Định triều Nguyễn sắc phong tặng bà Vũ Quận Quyến Hoa Công chúa tôn thần và chuẩn cho làng Gia Viên phụng thờ. Tại đền Tiên Nga nhân dân phối thờ đức mẫu Liễu Hạnh công chúa, đức thánh Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và một số vị thần khác như các bà chúa, ông hoàng thuộc bản xã phúc thần theo tín ngưỡng dân gian. Thời kỳ phong trào Đông Du (1905-1909) nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu đã được ông Nguyễn Hữu Tuệ người làng Gia Viên bí mật nuôi giấu tại đền Tiên Nga và sau đó giúp đỡ xuống tàu xuất dương sang Nhật. Nhân dân đã dành vị trí trang trọng trong đền để thờ cụ Phan Bội Châu cùng với các vị tiên hiền trung liệt. Ngày 9/2/2007 đền đã được UBND thành phố Hải Phòng ra quyết định xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, thành.

 

Du Xuân ở công viên Nguyễn Du

Ngày 13/2/2021, mùng 2 Tết Tân Sửu; chúng tôi đã du Xuân ở công viên Nguyễn Du nằm trên dải công viên cây xanh trung tâm thành phố Hải Phòng. Ở giữa công viên là Nhà Kèn bát giác với 8 mặt và 8 mái, công trình kiến trúc do người Pháp xây dựng năm 1928 để diễn tập kèn đồng. Nhà Kèn từng là sân khấu biểu diễn nhiều của nhạc sĩ tên tuổi trong nền tân nhạc Việt Nam, như nhóm Đồng Vọng với Văn Cao, Hoàng Quý cùng các nhạc sĩ Ngô Thụy Miên, Đoàn Chuẩn. Hiện nay vào tối thứ bảy hàng tuần, Nhà Kèn là điểm công diễn các chương trình nghệ thuật do Sở VHTT HP tổ chức. Một công trình kiến trúc nữa trong công viên là biểu tượng “Hạt giống đỏ” do KTS Nguyễn Tấn Vạn thiết kế. Cách đây hơn 60 năm, nhiều con em cán bộ, chiến sĩ và nhân dân miền Nam được gửi ra miền Bắc đào tạo, 28 trường học sinh miền Nam nội trú được thành lập tại miền Bắc trong đó có Hải Phòng với hàng chục nghìn học sinh mà Bác Hồ gọi là những “Hạt giống đỏ”. Dưới sự che chở của nhân dân TP Cảng, nhiều học sinh miền Nam trưởng thành trong đó có nhiều lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước. Công viên Nguyễn Du sẽ đẹp hơn và ý nghĩa hơn khi được dựng thêm bức tượng Nguyễn Du- đại thi hào dân tộc, danh nhân văn hóa Thế giới, tác giả của Truyện Kiều nổi tiếng. Và khi đó chúng ta sẽ có một không gian kiến trúc cảnh quan Văn hóa Nguyễn Du tại thành phố Cảng Hải Phòng.

 

Chiêm bái Đình Dư Hàng

Ngày 14/2/2021, mùng 3 Tết Tân Sửu; chúng tôi đã chiêm bái, dâng hương tại Đình Dư Hàng tọa lạc ở phường Dư Hàng Kênh, quận Lê Chân, TP Hải Phòng. Kiến trúc của đình có bố cục chữ công: I,  gồm tòa đại đình và tòa hậu cung. Toàn bộ hình thức trang trí trên kiến trúc 7 gian tiền đình đều được dàn trải các mảng chạm khắc hình ảnh tứ quý: tùng, cúc, trúc, mai;  tứ linh: long, ly, quy, phượng. Các nghệ nhân dân gian tạo ra trên kiến trúc gần 200 mảnh điêu khắc, chủ đề rồng mây chiếm phần lớn. Những mảng trang trí nghệ thuật này cùng với toàn bộ kết cấu bộ khung gỗ gồm cột cái, cột quân, xà, hoành, làm nên giá trị nghệ thuật trang trí triều Nguyễn tiêu biểu của đình Dư Hàng. Đình Dư Hàng là một trong số những công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo, có giá trị cao xây dựng để tưởng niệm Đức vương Ngô Quyền. Là di tích lịch sử, văn hoá cấp quốc gia được mô phỏng hoàn toàn theo đình Hàng Kênh về kiểu dáng, kích thước và bài trí hệ thống đồ thờ tự. Kiến trúc chủ yếu nổi bật của di tích thể hiện tài năng sáng tạo, nghệ thuật trang trí trên kiến trúc xây dựng đình vào những năm cuối thế kỷ 19.

 

CLB Văn hóa Đất Cảng du Xuân

Ngày 14/2/2021, mùng 3 Tết Tân Sửu; CLB Văn hóa Đất Cảng du Xuân. Đoàn tới công viên Máy Tơ, xưa là sân vận động Máy Tơ ở quận Ngô Quyền, một điểm kiến trúc cảnh quan mới của thành phố Hải Phòng. Công viên có tổng diện tích là 3,843ha, diện tích quy hoạch công viên 2,095ha với tổng mức đầu tư 70 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố. Khu vực chính giữa công viên là lầu bát giác 2 tầng bằng gỗ lim, 2 khán đài; hai góc tiếp giáp đường Máy Tơ xây dựng 2 chòi nghỉ; xung quanh bố trí đường dạo lát đá tự nhiên, với hệ thống cây xanh nhiều chủng loại chia tầng, tán. Công viên lắp đặt thiết bị phục vụ người dân tập luyện thể dục thể thao, 2 nhà vệ sinh cộng cộng; hệ thống cấp, thoát nước, trạm biến áp, điện chiếu sáng hoàn chỉnh, đồng bộ. Công viên giúp điều hòa môi trường không khí, hấp thụ các chất thải độc hại, khói bụi, diệt vi khuẩn, giảm tiếng ồn, góp phần bảo vệ sức khỏe con người, bảo vệ môi trường. Công viên cây xanh với đặc điểm tự nhiên cùng các công trình kiến trúc tạo nên điểm nhấn trong mỹ quan đô thị quận Ngô Quyền, tạo ra sắc thái văn hóa đặc trưng, tăng thêm vẻ đẹp cảnh quan, cải thiện môi trường sinh thái phong phú phục vụ đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân.

MT

Bài viết khác

Tác giả: minhtri