Quảng Thịnh- Rừng khăn mũ
Ông Quảng Thịnh sinh năm 1908 tại Đa Ngưu, Mỹ Văn, Hưng Yên trong một gia đình giáo học. Năm 19 tuổi ông theo người anh họ xuống Hải Phòng học nghề làm mũ, ông học sáng dạ và thiết kế được nhiều kiểu khăn mũ mới với mẫu mã rất đẹp. Sau khi học thành nghề, năm 1939, ông mở một cửa hàng và xưởng thợ ở phố Khách, Hải Phòng. Bấy giờ mũ ni-e và khăn xếp đang là mốt của giới công chức và nam nữ tân tiến thành phố. Cửa hàng đắt khách đến mua buôn và mua lẻ. Xưởng thợ khăn mũ đông người làm và lương công nhật rất sung túc, vì thế có câu thơ:
Muốn ăn cơm tám với giò
Lấy chồng thợ mũ chẳng lo lắng gì.
Vua Bảo Đại cùng Nam Phương Hoàng Hậu xuống Hải Phòng du ngoạn và ra Đồ Sơn nghỉ ngơi. Ông Quảng Thịnh được Tòa thị chính thành phố đặt làm một chiếc khăn xếp cầu kỳ tặng Nam Phương Hoàng Hậu. Nam Phương Hoàng Hậu rất thích và gửi lời khen ngợi. Cửa hàng của ông Quảng Thịnh lấy quảng cáo “Rừng khăn mũ”, bán buôn bán lẻ khắp miền Duyên Hải. Các thương lái từ Quảng Yên, Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình,… tấp nập về lấy mũ và khăn của ông mang đi bán khắp vùng miền. Gia đình ông Quảng Thịnh thông gia với gia đình ông Phú Hà. Đám cưới con gái đầu của ông Quảng Thịnh lấy con trai ông Phú Hà to nhất thời bấy giờ.
Chiến tranh chống Mỹ, ông Quảng Thịnh sơ tán lên Kim Thành, Hải Dương và mở cửa hàng khăn mũ tại chợ Giải. Bà con đến nay còn nhớ ông cụ cao lớn với chòm râu trắng làm mũ và bán mũ phục vụ bà con rất ân tình. Hòa bình lập lại, ông về Hải Phòng tham gia sản xuất kinh doanh khăn mũ và hoạt động công thương xã hội tích cực. Năm 1980, ông Quảng Thịnh vào Sài Gòn chơi, rồi mất sau một cơn cao huyết áp. Các con trai và con gái của ông là giáo viên, kỹ sư, cán bộ đoàn thể… Chỉ tiếc là không ai nối nghiệp làm mũ của ông nữa.
MT