Đoàn CLB Hải Phòng học chiêm bái dâng hương Chùa Chiêu Tường

Ngày 3/3/2024, đoàn CLB Hải Phòng học đã tới chiên bái dâng hương Chùa Chiêu Tường, còn gọi là Chùa Cả ở xã An Hưng, huyện An Dương, TP Hải Phòng. Đây là ngôi chùa thuộc Thánh Tổ Đông Sơn. Hôm nay là ngày đại lễ kỷ niệm hướng về ngày Đại thánh Đông Sơn Tuệ Nhẫn Từ Giác Quốc Sư Bồ Tát hạc giá Tây quy. Tham dự có đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP Hải Phòng; đại diện chính quyền địa phương; CLB Hải Phòng học và thập phương du khách. Sau các nghi lễ truyền thống, đại lễ đã nghe Hòa Thượng Thích Thanh Giác- Phó Trưởng ban TT trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP Hải Phòng, Chủ nhiệm CLB Hải Phòng học giới thiệu về Thánh Tổ Đông Sơn: Vào năm 1245 thời Trần, thuỷ tổ họ Vương là cụ Vương Thiên Huệ khai khẩn đất này, ngoài công lao phát triển dòng phật giáo Trúc Lâm, nhà sư còn có công chữa khỏi mắt cho vua Trần Anh Tông- vị con kế vị ngai vàng của vua Trần Nhân Tông. Nhà vua sắc phong là Từ Giác Quốc Sư, ngài được vua Trần và triều đình rất kính trọng, vua Anh Tông ban cho pháp hiệu là Tuệ Nhẫn Quốc Sư. Năm Ất Sửu (1325) sư viên tịch. Tuệ Nhẫn là một nhà sư nổi tiếng nhà Trần, cùng thế hệ với Pháp Loa, Huyền Quang- Tổ sư đời thứ 2 và 3 của thiền phái Trúc Lâm do vua Trần Nhân Tông sáng lập.

 

Đoàn CLB Hải Phòng học chiêm bái dâng hương Chùa Quang Khánh

Ngày 3/3/2024, đoàn CLB Hải Phòng học chiêm bái dâng hương Chùa Quang Khánh, còn gọi là Chùa Muống ở thôn Dưỡng Mông, xã Ngũ Phúc, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương. Chùa vốn là ngôi cổ tự có từ thời Trần và hiện là trung tâm tôn giáo lớn của huyện Kim Thành- Hải Dương. Chùa Muống gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp của nhà sư Tuệ Nhẫn- người góp công hoằng dương Phật giáo Trúc Lâm và là môn đệ trung thành của vị tổ thứ nhất của thiền phái Trúc Lâm Việt Nam- vua Trần Nhân Tông. Thiền sư Tuệ Nhẫn cũng được cho là đã xây dựng được 72 ngôi chùa ở xứ Đông, địa bàn Hải Dương, Hải Phòng và huyện Đông Triều- Quảng Ninh. Chùa được người dân gọi là chùa “Muống” để ghi dấu đặc điểm xa xưa của địa phương, một nơi có nhiều rau muống. Đoàn đã thực hiện nghi lễ dâng hương và chiêm bái khu vườn tháp cổ trong nhà chùa. Lễ hội chùa Muống được bắt nguồn từ việc kỷ niệm ngày mất của sư tổ Tuệ Nhẫn tức Vương Thiên Huệ- sư ông Mộng. Lễ hội gắn kết giữa hai yếu tố “Thần và Phật”, đối với phật tử gần xa, ông là một vị sư tổ cao tăng đáng kính trọng, đối với quê hương, ông là một Thành hoàng làng có công khai khẩn đất đai, lập nên xóm ấp. Do đó lễ hội ở đây đặc biệt, thời gian kéo dài 4 ngày từ ngày 24 đến ngày 27 tháng giêng hàng năm.

 

Đoàn CLB Hải Phòng học chiêm bái và dâng hương Chùa Phù Am

Ngày 3/3/2024, đoàn CLB Hải Phòng học chiêm bái dâng hương Chùa Phù Am, còn gọi là Chùa Cáy ở thôn Dưỡng Mông, xã Ngũ Phúc, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương. Chùa nằm trong danh sách các Chùa thuộc Thánh Tổ Đông Sơn. Tuệ Nhẫn Quốc Sư còn được nhân dân kính trọng gọi là Thánh tổ Non Đông (Thánh Tổ Đông Sơn). Ngài tên thật là Vương Thiên Huệ, là thuỷ tổ họ Vương, đồng thời là người có công khai khẩn vùng đất Dưỡng Mông thời Trần. Cha của Vương Thiên Huệ là cụ Vương Quý Lan và mẹ là người họ Hoàng. Lúc còn nhỏ, cha mất sớm, mẹ ở vậy nuôi con. Một lần thấy mẹ ra đồng bắt được giỏ cáy, thương sinh linh ngài mang giỏ cáy đổ ra đồng, nguồn gốc Chùa Cáy từ đó mà có. Vương Thiên Huệ lên đường về Kinh Bắc, trên đường đi, ông vào chùa Nghĩa Trụ, yết kiến Hoàng Kiên đại sư (Kiên Tuệ đại sư) được thu nhận. Từ đó, ông trau dồi Phật pháp, đến năm 30 tuổi ông đã đắc đạo. Sau đó ông xin rời khỏi chùa để truyền bá Phật pháp mà Phật pháp của ông chính là giáo lý của thiền phái Trúc Lâm. Nơi ông đến đầu tiên là Mạo Khê (Quảng Ninh), nơi đây được gọi là Non Đông gần Yên Tử, là trung tâm của thiền phái Trúc Lâm do vua Trần Nhân Tông sáng lập. Ông quyết định trụ trì tại đó và ra công tu tạo 72 ngôi chùa lớn nhỏ trong đó có Chùa Cáy.

MT

Bài viết khác

Tác giả: minhtri