KHOẢNH KHẮC ĐẦU ĐÔNG

Khoảnh khắc đầu đông với: Đầu tuần ra đảo Liên Minh; Mười sự kiện chính trong hoạt động thời gian qua của Chi hội Kiều học Hải Phòng; Sớm đầu mùa đông tại Trụ sở ACC Control Hải Phòng; Gặp gỡ đầu mùa đông; Văn Cao người Nhạc sĩ họ Nguyễn đa tài; Hội nghị Chi hội LLVK Đông Bắc Á; Giới thiệu bộ sách lịch sử Hải Phòng 4 tập mới xuất bản; Sinh hoạt thường kỳ CLB Nghiên cứu Đô thị Hải Phòng; Lênh đênh trên Vịnh Lan Hạ; Phát động thi sáng tác thơ, bài hát và văn xuôi về đảo Cát Bà; Họp Ban Phát triển Nhân tài; Họp BLĐ Hiệp hội Doanh nghiệp quận Hồng Bàng; Hội thảo “Hướng tới 50 năm Kiến trúc Việt Nam 1975- 2025”; Kỷ niệm đẹp cách đây đúng 10 năm; Khóa tập huấn “Kỹ năng cố vấn khởi nghiệp nâng cao”; Chiều Thư pháp; Công diễn vở kịch thơ “Hoạn Thư ghen”

 

Đầu tuần ra đảo Liên Minh

Ngày 8/11/2021, có dịp ra đảo Cát Bà, mời các bạn đến thôn Liên Minh, xã Trân Châu, huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng. Tại đây các bạn sẽ được thưởng thức phong cảnh sơn thủy hữu tình và tiếp cận với giống Gà Liên Minh được coi là sản phẩm đặc trưng của đảo Cát Bà; là một trong mười tám đặc sản của Hải Phòng được chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.Gà có tại thôn Liên Minh từ rất xa xưa. Theo các bậc cao niên trong làng kể lại: xưa kia có một gia đình đến khai hoang lập nghiệp, ngoài các tài sản họ còn mang theo một đôi gà để làm giống, từ đôi gà đó, đến nay đã sinh sôi, nảy nở thành một quần thể gà. Với điều kiện tự nhiên đặc biệt: là “đảo của đảo” biệt lập với bên ngoài bởi những rặng núi đá cao vút; có tiểu khí hậu, thổ nhưỡng riêng… đã tạo nên giống gà bản địa thuần chủng mang tên của thôn: Gà Liên Minh. Tại Liên Minh vẫn nuôi gà theo phương thức chăn thả: ban ngày chăn thả trên vườn, đồi, núi, người dân địa phương còn gọi là gà “leo núi”, gà kiếm ăn tự do, ban đêm gà ngủ trên cây, hầu như không cần chuồng trại. Chuồng chỉ cần khi gà ấp nở. Gà Liên Minh để đẻ và ấp nở tự nhiên, mỗi lứa chỉ 10- 12 quả. Nuôi 7- 8 tháng thì xuất bán. Thức ăn cho gà chỉ là củ sắn băm nhỏ, ngô, thóc và nguồn thức ăn tự nhiên do gà tự kiếm, không sử dụng thức ăn công nghiệp. Gà Liên Minh có thể biến thành nhiều món như hấp, luộc, rang muối, hầm, tần với thuốc bắc. Tuy nhiên, món ăn được người dân địa phương và khách du lịch ưa chuộng nhất đó là gà nướng mật ong. Gà sau khi làm sạch, để nguyên con, phết mật ong và nướng trên than hoa. Do gà to, nên quá trình nướng phải mất hàng giờ, người nướng cũng phải có kinh nghiệm, đảo đều tài để gà chín đều và tránh bị cháy. Gà Liên Minh hiện đang được bảo tồn và phát triển.

 

Mười sự kiện chính trong hoạt động thời gian qua của Chi hội Kiều học Hải Phòng

Ngày 9/11/2021, VP Chi hội Kiều học Hải Phòng đã có cuộc trao đổi với Nhà giáo Hoàng Xuân Khóa và Nhà Thư pháp Lê Thiên Lý thống nhất mười sự kiện chính trong hoạt động Chi hội Kiều học Hải Phòng nhiệm kỳ qua (2016- 2021) với 10 mốc son là: 1/Lễ thành lập Chi hội Kiều học Hải Phòng; 2/Chương trình kỷ niệm 250 năm ngày mất Nguyễn Du; 3/Hội thảo khoa học “Giảng dạy Nguyễn Du và Truyện Kiều trong nhà trường”; 4/Lễ kỵ Nguyễn Du tổ chức tại Thủy Nguyên hàng năm: 5/Chi hội Kiều học Hải Phòng kết hợp cùng Hội Nghệ sĩ Sân khấu Hải Phòng xây dựng vở kịch thơ “Hoạn Thư ghen”; 6/Tổ chức bản thảo và in ấn xuất bản bộ tứ bình “Bốn mùa Truyện Kều”; 7/Gặp gỡ GS An Chung Hoan- người dịch Truyện Kiều sang tiếng Hàn Quốc”; 8/Tham gia cùng Sở Văn hóa Thể thao và Thư viện Hải Phòng tổ chức ngày hội sách hàng năm: 9/Kết hợp cùng Hội LH VHNT HP tổ chức giới thiệu cuốn sách “Bí quyết thành công”; 10/Kết hợp với Hội Liên lạc Việt Kiểu Hải Phòng tổ chức chương trình giao lưu “Mùa Xuân An Lạc” tại Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình.

 

Sớm đầu mùa đông tại Trụ sở ACC Control Hải Phòng

Ngày 9/11/2021, tại Trụ sở ACC Control Hải Phòng, số 70 Trần Khánh Dư, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng; đã diễn ra cuộc gặp gỡ giữa ông Phạm Văn Ngọc- Chủ tịch ACC Control Hải Phòng với các CB CNV và CTV đi tiêm mũi 2 phòng chống covid-19. ACC Control tức Công ty cổ phần giám định Đại Tây Dương có ngành nghề kinh doanh: Dịch vụ giám định hàng hóa xuất nhập khẩu, hàng hải, hàng hóa nội địa, các loại máy móc thiết bị, phương tiện vận tải. Tư vấn xây dựng hệ thống quản lý chất lượng, tư vấn lập dự án đầu tư, tư vấn chuyển giao công nghệ. Dịch vụ đào tạo và tư vấn nghề giám định, dịch vụ khai báo thủ tục hải quan, các dịch vụ giám định theo yêu cầu của khách hàng, dịch vụ kiểm kiện hàng hóa. Giám định hàng hóa xuất nhập khẩu gồm tình trạng, số lượng, chất lượng, giám định hàng hải về mớn nước tàu biển, mớn nước sàlan, hàng tổn thất, hàng trong container, hàng thông quan Hải quan, hàng kiểm tra nhà nước, nhận thẩm định giá trị tài sản hàng hóa, tài sản bất động sản. Việc tiêm đầy đủ 2 mũi phòng chống covid cho CB CNV và CTV là hết sức cần thiết và ý nghĩa.

 

Gặp gỡ đầu mùa đông

Ngày 9/11/2021, Thường trực mở rộng Ban vận động thành lập Hội đồng Họ Nguyễn Hải Phòng đã có cuộc gặp gỡ giao lưu trao đổi mạn bàn công việc Hội Họ. Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Xuân Sang- Nguyên Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hải Phòng, Chủ tịch lâm thời Hội đồng Họ Nguyễn Hải Phòng cảm ơn các thành viên trong Thường trực mở rộng Ban vận động thành lập Hội đồng Họ Nguyễn Hải Phòng thời gian qua đã nỗ lực hoạt động nhằm tập hợp hội viên, đề xuất những ý tưởng sáng tạo trong hoạt động Hội Họ, tiến tới Đại hội lần thứ nhất thành lập Hội đồng Họ Nguyễn Hải Phòng. Phát biểu chào mừng, ông Nguyễn Sơn Nam- Việt Kiều Mỹ, chúc Ban vận động thành lập Hội đồng Họ Nguyễn Hải Phòng hoạt động hiệu quả, kết nạp thêm nhiều hội viên mới là người Họ Nguyễn hiện đang sống và làm việc tại thành phố Hải Phòng. Cũng trong chương trình giao lưu gặp gỡ đầu mùa đông, ông Nguyễn Sơn Nam- Việt Kiều Mỹ bày tỏ nguyện vọng thời gian tới sẽ có những đóng góp tích cực trong hoạt động Hội Họ Nguyễn Hải Phòng, xây dựng tổ chức Hội đồng Họ Nguyễn Hải Phòng là một tổ chức hoạt động thiết thực và ý nghĩa.

 

Văn Cao người Nhạc sĩ họ Nguyễn đa tài

Văn Cao tên thật là Nguyễn Văn Cao, sinh ngày 15/11/1923 tại phường Lạch Tray, thành phố Hải Phòng, cha của Văn Cao là giám đốc nhà máy nước Hải Phòng. Hồi nhỏ Văn Cao học ở trường Ngô Quyền. Năm 1938, khi mới 15 tuổi, Văn Cao đi làm điện thoại viên ở Bưu điện tại Hải Phòng. Văn Cao tham gia nhóm Đồng Vọng của Hoàng Quý cùng Tô Vũ, Canh Thân, Đỗ Nhuận… và sáng tác ca khúc đầu tay “Buồn tàn thu” năm 16 tuổi. Tiếp đó là những ca khúc nổi tiếng như: Bến xuân, Suối mơ, Cung đàn xưa, Thiên Thai, Trương Chi… Năm 1940, Văn Cao vào Huế, ông viết “Một đêm đàn lạnh trên sông Huế”, được coi là bài thơ đầu tay. Năm 1942, nghe Phạm Duy, Văn Cao rời Hải Phòng lên Hà Nội, và theo học Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, bức vẽ “Cuộc khiêu vũ những người tự tử” của ông được đánh giá cao. Năm 1944, Văn Cao gặp Vũ Quý, một cán bộ Việt Minh. Vũ Quý giao cho ông nhiệm vụ viết ca khúc; và tác phẩm “Tiến quân ca” ra đời. Ngày 13/8/1945, Bác Hồ duyệt “Tiến quân ca” làm quốc ca của nước Việt Nam. Sau năm 1945 Văn Cao làm ở báo Lao Động. Năm 1947, ông tham gia công tác đặc biệt ngành công an, Văn Cao kết hôn cùng bà Nghiêm Thúy Băng, có với nhau 5 người con, 3 trai đầu và 2 gái cuối. Năm 1949, Văn Cao phụ trách Đoàn Nhạc sĩ Việt Nam. Thời kỳ này, ông có nhiều sáng tác nổi tiếng như “Làng tôi” (1947), “Trường ca Sông Lô” (1947), “Ngày mùa” (1948), “Tiến về Hà Nội” (1949). Sau năm 1954 Văn Cao làm việc ở Đài phát thanh Hà Nội, ông viết chùm ca khúc: Không quân Việt Nam, Nông dân Việt Nam, Công nhân Việt Nam… Năm 1975, Văn Cao sáng tác ca khúc “Mùa xuân đầu tiên”. Sau năm 1985 những Đêm nhạc Văn Cao tổ chức được công chúng hồ hởi đón chào. Ngày 10/7/1995, Văn Cao qua đời thọ 73 tuổi. Năm 1996, một năm sau khi mất, Văn Cao được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt đầu tiên. Ông đã được tặng Huân chương Kháng chiến hạng nhất, Huân chương Độc lập hạng ba, Huân chương Độc lập hạng nhất, Huân chương Hồ Chí Minh. Tên ông được đặt cho nhiều phố ở Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng, Nam Định. Ngày 15/11/2021 tới đây, kỷ niệm 98 năm ngày sinh Nhạc sĩ Văn Cao (1923- 2021), chúng ta cùng nhớ về Nhạc sĩ, Họa sĩ, Nhà thơ tài hoa Văn Cao với những bài hát nổi tiếng và các sáng tác nghệ thuật cho cuộc đời ngưỡng mộ.

 

Hội nghị Chi hội LLVK Đông Bắc Á

Ngày 10/11/2021, tại hội trường trung tâm tổ chức sự kiện Tây Âu số 189 Hàng Kênh, Lê Chân, Hải Phòng; đã diễn ra hội nghị Chi hội LLVK Đông Bắc Á trực thuộc Hội LL Việt Kiều Hải Phòng. Tham dự có đại diện lãnh đạo Hội LLVK HP, đại diện các Chi hội, TT, CLB trực thuộc Hội. Sau bài phát biểu khai mạc của bà Lê Thị Bích Đào- Chi hội trưởng Chi hội LLVK Đông Bắc Á, tổng kết hoạt động của Chi hội năm 2021; ông Lê Văn Quý- Chủ tịch Hội LL Việt Kiều Hải Phòng đã có bài phát biểu chào mừng. Hội nghị đã nghe các ý kiến tham luận của hội viên, nhằm xây dựng Chi hội LLVK Đông Bắc Ávà Hội LL Việt Kiều Hải Phòng ngày một phát triển. Cũng trong Hội nghị, VP Hội LL Việt Kiều Hải Phòng đã trao quyết định cho 5 thành viên mới Chi hội LLVK Đông Bắc Á trở thành Hội viên Hội LL Việt Kiều Hải Phòng. Hội nghị Chi hội LLVK Đông Bắc Á trực thuộc Hội Liên lạc Việt Kiều Hải Phòng đã thu được kết quả tốt đẹp.

 

Giới thiệu bộ sách lịch sử Hải Phòng 4 tập mới xuất bản

Ngày 10/11/2021, chúng tôi đã nhận được bộ sách lịch sử Hải Phòng 4 tập mới xuất bản. Bộ sách bao quát lịch sử vùng đất Hải Phòng từ khởi nguồn đến năm 2020, chia thành 4 tập. Tập I do Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Hà Văn Tấn và Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tống Trung Tín làm chủ biên, viết về lịch sử vùng đất Hải Phòng từ thời nguyên thủy đến năm 938 với 4 chương. Tập II do Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học, Nhà giáo Nhân dân Vũ Minh Giang làm chủ biên, viết về lịch sử vùng đất Hải Phòng từ năm 938 đến năm 1888 với 6 chương. Tập III do Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Văn Khánh làm chủ biên, gồm 4 chương, viết về lịch sử Hải Phòng từ năm 1888 đến năm 1955. Tập IV do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hà làm chủ biên, viết về lịch sử Hải Phòng từ năm 1955 đến năm 2020 với 5 chương. Ngoài ấn phẩm in, “Lịch sử Hải Phòng” được xuất bản dưới dạng file pdf và được đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử thành phố Hải Phòng https://haiphong.gov.vn/, Cổng Thông tin điện tử Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hải Phòng https://sokhcn.haiphong.gov.vn/.

Sinh hoạt thường kỳ CLB Nghiên cứu Đô thị Hải Phòng

Ngày 10/11/2021, tại trụ sở CLB Nghiên cứu Đô thị Hải Phòng, số 32F Điện Biên Phủ, đã diễn ra buổi sinh hoạt thường kỳ. Phát biểu khai mạc, Chủ nhiệm CLB Nghiên cứu Đô thị Hải Phòng đã điểm lại hoạt động CLB thời gian qua, tiêu biểu là việc CLB đã tổ chức thành công đoàn thực tế sáng tác trên đảo Cát Bà để thiết kế cổng chào vào trung tâm Cát Bà; Du lịch trên Vịnh Lan Hạ và tham quan thôn Liên Minh, xã Trân Châu, huyện Cát Hải. Thời gian tới, CLB tổ chức nhóm doanh nhân hội viên tham dự khóa học quản trị đầu tư  trong hai ngày 13 và 14/11/2021 tại Sở Khoa học Công nghệ Hải Phòng; Tổ chức các nhóm thiết kế mẫu cổng chào Cát Bà để nộp cho BTC vào 15h chiều ngày 24/11/2021. Các thành viên CLB đã tham gia những ý kiến thiết thực quí báu nhằm góp phần xây dựng CLB ngày một đông vui, hoạt động thiết thực ý nghĩa. Sinh hoạt thường kỳ CLB CLB Nghiên cứu Đô thị Hải Phòng đã thu được kết quả tốt đẹp.

 

Lênh đênh trên Vịnh Lan Hạ

Vịnh Lan Hạ rộng 7.000 ha, nằm ở phía nam của Vịnh Hạ Long và phía đông của đảo Cát Bà; với 388 hòn đảo lớn nhỏ mang nhiều hình thù độc đáo. Đến vịnh Lan Hạ, du thuyền của chúng tôi xuất phát từ Bến Bèo. Đi qua Hang Luồn nằm trên đảo Bồ Hòn, bên phải là Cổng Trời, phía trước là hòn Con Rùa. Hang Luồn là địa điểm du lịch vịnh Lan Hạ thu hút du khách không chỉ bởi hình thù độc đáo mà còn bởi cảnh sắc thiên nhiên hài hòa, hữu tình. Bãi biển Nam Cát xinh đẹp cũng là nơi để du khách được thoải mái vẫy vùng trong làn nước trong xanh, tha hồ ngắm những đàn cá nhỏ, rặng san hô hay những chùm rong biển. Đến đảo Khỉ, còn gọi là đảo Cát Dứa vì trên đảo có nhiều cây dứa dại, trên đảo có khoảng hơn 20 con khỉ do ban quản lý Vườn Quốc Gia Cát Bà mang thả tại đây. Hòn Rùa là một hòn đảo nhỏ gây chú ý với khách du lịch bởi hình dáng độc đáo tựa như chú rùa đang bơi trên mặt nước. Hòn Chuông trên đường từ Cát Bà đi làng chài Cửa Vạn.  Hải sản ở đây rất đa dạng và phong phú như cua biển, tu hài, sam biển, tôm hùm, rắn biển, sam biển nướng, tôm hùm đút lò sốt trứng, cua rang muối, tu hài nướng, tôm hùm chần rượu vang. Lênh đênh trên Vịnh Lan Hạ với bao cảm xúc đẹp.

 

Phát động thi sáng tác thơ, bài hát và văn xuôi về đảo Cát Bà

UBND huyện Cát Hải kết hợp với Báo Hải Phòng tổ chức cuộc thi sáng tác thơ, nhạc và văn xuôi về đảo Cát Bà. Về thơ: tác giả được gửi tối đa 10 bài thơ, mỗi bài không quá 50 câu. Về bài hát: được thu thanh dưới định dạng mp3 gửi kèm bản nhạc in giấy A4. Về văn xuôi có các thể loại như: truyện ngắn, ký văn chương, tản văn, tạp bút. Một sáng tác dự thi có thể chia thành nhiều bài, mỗi bài không quá 1200 từ và không quá 3 bài viết về địa điểm và nhân vật có thật kèm theo ảnh minh họa. BTC nhận tác phẩm dự thi đến hết ngày 10/3/2022. Ngoài phong bì hoặc email ghi rõ: “Bài tham dự cuộc thi sáng tác về hành trình đề cử Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long- Quần đảo Cát Bà”. Nơi nhận tác phẩm dự thi: Phòng Văn hóa- Thông tin- Thể thao và Du lịch UBDN huyện Cát Hải, số 01 Hà Sen, thị trấn Cát Bà, huyện Cát Hải. ĐT: 0225.3888.640; Email: cathai.vh@haiphong.gov.vn; Báo Hải Phòng: Số 8, Đà Nẵng, Ngô Quyền, Hải Phòng, ĐT: 02253.852.806; Email: phongdientubhp@gmail.com. Giải thưởng: Gồm Giấy chứng nhận của BTC kèm theo tiền thưởng dành cho 03 bộ giải với 3 thể loại thơ, văn xuôi, bài hát. 01 giải nhất trị giá: 10.000.000 đ; 02 giải nhì, mỗi giải trị giá: 5.000.000 đ; 03 giải ba, mỗi giải trị giá: 3.000.000 đ; 03 giải khuyến khích, mỗi giải trị giá: 1.000.000 đ.

 

Họp Ban Phát triển Nhân tài

Ngày 11/11/2021, tại trụ sở số 6 Minh Khai, Hồng Bàng, Hải Phòng; đã diễn ra cuộc họp Ban Phát triển Nhân tài trực thuộc Hội Khoa học phát triển nguồn nhân lực nhân tài Hải Phòng. Tham dự có đại diện lãnh đạo Hội KHPT NNLNT HP, cùng các thành viên Ban Phát triển Nhân tài. Phát biểu khai mạc, ông Nông Quốc Tuấn- Phó Chủ tịch Hội KHPT NNKNT HP, Trưởng Ban PTNT đã phổ biến chức năng, nhiệm vụ Ban PTNT. Tiếp đó các thành viên của Ban PTNT đã có những ý kiến tham góp vào chức năng và nhiệm vụ của Ban PTNT. Phát biểu chào mừng và chỉ đạo hội nghị, Ts Hoàng Ngọc Tuấn- Phó Chủ tịch TT Hội KHPT NNLNT HP chúc mừng các thành viên tham gia Ban Phát triển Nhân tài, chúc hoạt động của Ban PTNT thời gian tới hoạt động đúng chức năng nhiệm vụ đã đề ra, góp phần hoạt động Hội Khoa học phát triển nguồn nhân lực nhân tài Hải Phòng ngày một phát triển và lớn mạnh.

 

Họp BLĐ Hiệp hội Doanh nghiệp quận Hồng Bàng

Ngày 11/11/2021, tại trụ sở UBND quận Hồng Bàng, số 1 đường Hồng Bàng, quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng; đã diễn ra cuộc họp Ban lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp quận Hồng Bàng; Tham dự có đại diện lãnh đạo UBND quận Hồng Bàng, cùng các thành viên BLĐ Hiệp hội Doanh nghiệp quận Hồng Bàng. Phát biểu khai mạc, bà Nguyễn Bích Hòa- Chủ tịch HH Doanh nghiệp quận HB cảm ơn sự quan tâm của lãnh đạo quận tới các doanh nhân có doanh nghiệp đóng trên địa bàn quận; Thời gian tới sẽ diễn ra Đại hội Hiệp hội Doanh nghiệp quận Hồng Bàng để bầu ra BLĐ mới. Phát biểu chúc mừng, ông Đỗ Việt Hưng- Phó Chủ tịch UBND quận Hồng Bàng chúc các doanh nhân có doanh nghiệp đóng trên địa bàn quận luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hoàn thành tốt nghĩa vụ thuế với nhà nước, tạo công ăn việc làm cho người lao động, góp phần an sinh xã hội. Cũng trong chương trình UBND quận đã bàn giao một căn phòng đẹp trong khuôn viên kiến trúc trụ sở UBND quận để làm trụ sở Hiệp hội Doanh nghiệp quận Hồng Bàng.

 

Hội thảo “Hướng tới 50 năm Kiến trúc Việt Nam 1975- 2025”

Ngày 12/11/2021, tại trụ sở Hội Kiến trúc sư Việt Nam, 40 Tăng Bạt Hổ, Hà Nội; đã diễn ra hội thảo trực tiếp và trực tuyến “Hướng tới 50 năm Kiến trúc Việt Nam 1975- 2025”. Tham dự có đại diện lãnh đạo Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam; Hội KTS Việt Nam, các chuyên gia kiến trúc, các doanh nghiệp đồng hành, cùng các điểm cầu trực tuyến tại các tỉnh thành trên toàn quốc. Các KTS hội viên tham gia hội thảo trực tuyến trên nền tảng Zoom Webinar và miễn phí cấp 0,9 điểm CPD cho 500 KTS đăng ký đầu tiên. Đến năm 2025, tròn 50 năm đất nước thống nhất, 95 năm thành lập Đảng CSVN và 80 năm thành lập nước. Đây là những dấu mốc quan trọng và là thời điểm cần thiết để giới KTS nhìn lại, đánh giá toàn diện quá trình phát triển kiến trúc. Hội thảo “50 năm Kiến trúc Việt Nam 1975-2025” cũng là một trong những hoạt động đã trở thành truyền thống của Hội KTS Việt Nam, là cơ hội để KTS từ mọi miền của Đất nước gặp nhau, không chỉ trao đổi chuyên môn mà còn giao lưu, gặp gỡ. Hội thảo đã thành công tốt đẹp.

 

Kỷ niệm đẹp cách đây đúng 10 năm

Cách đây đúng 10 năm từ ngày 11 đến 13/11/2011, chúng tôi đã tham dự Hội trại KTS trẻ toàn quốc được tổ chức tại thành phố Cần Thơ. Hội trại thu hút sự tham gia của 600 KTS đến từ 38 tỉnh thành trên cả nước. Hội KTS Việt Nam đã trao Bằng khen cho các đoàn: Bà Rịa- Vũng Tàu, Cần Thơ, Đồng Nai, TP HCM, Viện Thiết kế Bộ Quốc Phòng, VNCC, Bình Dương, Hải Phòng, Huế, Quảng Trị, Đăk Lak, Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội, Trường ĐH Xây dựng, VCC, Trường ĐH Phương Đông… Trong khuôn khổ hội trại, nhiều hoạt động chuyên môn đã diễn ra: Toạ đàm “KTS Trẻ- Hành trình lập nghiệp”, Hội thảo “Các xu hướng sáng tác mới của KTS Trẻ; đặc biệt, Workshop 2011 với chủ đề “Đô thị Cần Thơ- Đô thị sông nước” là một nét mới, một thử nghiệm thành công của Ban tổ chức tại hội trại. Tour tham quan các vườn trái cây, chợ nổi Cái Răng, Ba Láng, Vàm Sáng, Phong Điền. Đêm lửa trại tưng bừng với các trò chơi dân gian đặc sắc được các KTS hào hứng tham gia, khám phá những nét đặc trưng của vùng sông nước miền Tây Nam Bộ. Workshop 2011 đã tạo ra một sân chơi sáng tạo cho các KTS trẻ, góp phần giải quyết những vấn đề của địa phương sở tại.

 

Khóa tập huấn “Kỹ năng cố vấn khởi nghiệp nâng cao”

Trong hai ngày 13 và 14/11/2021, tại Sở Khoa học và Công nghệ thành phố, số 1 Phạm Ngũ Lão, TP Hải Phòng; đã diễn ra khóa tập huấn “Kỹ năng cố vấn khởi nghiệp nâng cao”, do Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp Sáng tạo Hải Phòng tổ chức, nhằm cập nhật các kiến thức kỹ năng cố vấn và xây dựng câu lạc bộ cố vấn khởi nghiệp để hỗ trợ cho các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố. Sau phát biểu khai mạc của BTC, các doanh nhân học viên đã nghe chuyên gia giảng viên Nguyễn Tiến Trung truyền đạt những kiến thức sau: Xác định chân dung, vai trò của mentor và mentee; Định hình phong cách và phát triển nội dung cuộc gặp mentoring; Mô hình 6C mentoring; Kỹ năng nền tảng trong mentoring; Đầu tư thiên thần và vai trò cố vấn khởi nghiệp gọi vốn. Song song với học lý thuyết, chuyên gia giảng viên đã cho các doanh nhân học viên làm bài tập nhóm vả thảo thuận trao đổi. Đây là những kiến thức thiết thực và rất ý nghĩa.

 

Chiều Thư pháp

Ngày 14/11/2021, tại Đình Dư Hàng, phường Dư Hàng Kênh, quận Lê Chân, TP Hải Phòng; Lớp Thư pháp K17, do Trung tâm Thư pháp và Câu đối Hán Nôm học trực thuộc Hiệp hội Làng nghề Hải Phòng tổ chức đã có buổi học thường kỳ. Các học viên đã nghe giảng viên Nhà thư pháp Lê Thiên Lý- Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Làng nghề Hải Phòng, Giám đốc Trung tâm Thư pháp và Câu đối Hán Nôm học, giảng về “Khẩu Quyết” với 20 bộ; học 30 từ mới và luyện viết chữ “Tĩnh”. Cũng trong buổi học; lớp Thư pháp K17 đã lên kế hoạch tổ chức chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam vào 15h chiều chủ nhật ngày 21/11/2021 tại trụ sở Hội Nhà báo Hải Phòng, số 22 đường Lạch Tray, Hải Phòng. Chương trình có sự tham gia của đại biểu khách quí đến từ Hiệp hội Làng nghề Hải Phòng; Trung tâm Thư pháp và Câu đối Hán Nôm học Hải Phòng; các học viên từ khóa 1 đến khóa 17. Đây là những hoạt động thiết thực do Trung tâm Thư pháp và Câu đối Hán Nôm học trực thuộc Hiệp hội Làng nghề Hải Phòng tổ chức có tác dụng khơi gợi, tìm kiếm khả năng thể hiện thư pháp trong cộng đồng.

 

Công diễn vở kịch thơ “Hoạn Thư ghen”

Ngày 14/11/2021, tại Nhà hát tháng Tám trong liên hoan sân khấu kịch nói toàn quốc. Hội Sân khấu Hải Phòng- Hội Kiều học Hải Phòng- CLB Sân khấu “Biển hẹn” đã công diễn vở kịch thơ “Hoạn Thư ghen”, trích trong “Truyện Kiều” của Đại thi hào dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du; Tác giả: Phương Văn; Biên tập: Nhà giáo Hoàng Xuân Khóa- Chủ tịch Hội Kiều học Hải Phòng; Đạo diễn: NSUT Trần Tường; Thiết kế sân khấu: La Viết Sinh; Mỹ thuật: Ngô Thắng; Âm nhạc: NSND Đào Trung; Thể hiện ca khúc và ngâm thơ: NSUT Thanh Thanh Hiền;  Biên đạo múa; NSUT Hồng Minh; với sự tham gia của tập thể nam nữ diễn viên hội viên CLB Sân khấu “Biển hẹn”. Trong 3.254 câu Kiều thì những chương hồi thể hiện nhân vật “Hoạn Thư” có tích chất đặc biệt đã tạo ra sự hấp dẫn của vở kịch thơ “Hoạn Thư ghen”. Vở kịch “Hoạn Thư ghen” trong liên hoan sân khấu kịch nói toàn quốc tổ chức tại TP Hải Phòng, đã được công chúng nhiệt liệt cổ vũ và tán thưởng.

MT

Bài viết khác

Tác giả: minhtri