Yên Hưng là huyện nằm ở phía Tây Nam tỉnh Quảng Ninh, nơi giáp ranh giữa thành phố Hải Phòng và thành phố Hạ Long. Yên Hưng là huyện có nhiều di tích lịch sử văn hoá. Ðường thuỷ có nhiều bến thuyền ở các xã ven sông ven biển. Thị trấn Quảng Yên, bên sông Chanh có bến Ngự và bến tầu khách thuỷ đi các luồng Hải Phòng, Hòn Gai, Cát Hải…
Yên Hưng là huyện đồng bằng ven biển ở phí tây nam tỉnh, cách thành phố Hạ Long 40km và cách Hải Phòng 20km. Toạ độ : từ 106015’ đến 106054’ kinh đông và từ 2205’ đến 2406’ vĩ độ bắc. Bắc giáp thị xã Uông Bí và huyện Hoành Bồ, phía đông thông ra vịnh Hạ Long, phía tây và nam giáp địa phận Hải Phòng, ranh giới với huyện Thuỷ Nguyên là sông Bạch Ðằng, ranh giới với huyện Cát Hải là kênh Cái Tráp và cửa Lạch Huyện.
Yên Hưng có diện tích tự nhiên 33.316km2, địa hình thấp dần từ bắc xuống nam. Phía bắc có dẫy Phượng Hoàng và sông Yên Lập ngăn cách với huyện Hoành Bồ. Chảy ngang huyện là sông Chanh dài 20km, là một nhánh của sông Bạch Ðằng. Sông Chanh chia huyện làm hai vùng. Vùng bắc sông xưa là tổng Hà Bắc, có địa hình trung du, nhấp nhô nhiều đồi núi. Vùng nam sông xưa là tổng Hà Nam rộng hơn 6000ha, nguyên là một bãi phù sa cổ cửa sông, một hòn đảo, có địa hình thấp hơn mực nước biển khi thuỷ triều cường. Quanh đảo Hà Nam và hai phía đông tây vùng Hà Bắc có những bãi triều ngập mặn rộng lớn tạo tiềm năng mở rộng diện tích canh tác và nuôi trồng thuỷ sản. Ðó là các vùng lấn biển sông Khoai ở phía tây, vùng Bình Hương ở phía đông và vùng Ðầm Nhà Mạc ở cực nam đảo Hà Nam. Yên Hưng còn có xã đảo Hoàng Tân ở phía đông và xã đảo Ðiền Công ở phía tây.
Yên Hưng có 6434ha đất rừng, hơn 2000ha đã được trồng thông. Ðất canh tác rộng gần 6000ha, cấy lúa nước và trồng hoa mầu (là huyện lúa thứ ba của tỉnh sau Ðông Triều, Quảng Hà). Vùng bãi triều và đất có mặt nước có thể nuôi trồng thuỷ sản rộng hơn 6000ha, đứng đầu toàn tỉnh và là tiềm năng lớn của huyện. ở vùng Hà Bắc còn có những mỏ đất sét, trên đảo Hoàng Tân có núi đá vôi tạo tiềm năng sản xuất vật liệu xây dựng.
Yên Hưng là vùng tiểu khí hậu nóng và ẩm, nhiệt độ thấp nhất ít khi dưới 50c, song bức xạ nhiệt lớn và gió biển thổi mạnh nên tuy lượng mưa khá lớn (Quảng Yên 1625mm, Phong Cốc – Trung tâm đảo Hà Nam, 1765mm/năm) vẫn không cân bằng với lượng bốc hơi. Xưa kia dân Yên Hưng khổ vì hạn hán và bão tố làm vỡ đê gây nhiều trận lụt lớn ở đảo Hà Nam. Từ hai chục năm lại đây, có nước từ hồ Yên Lập dẫn về làm đổi đời đáp ứng căn bản nhu cầu về nước ngọt cho sản xuất và đơì sống. Tuy nhiên đê biển Hà Nam vẫn phải không ngừng được củng cố.
Yên Hưng có giao thông thuỷ bộ rất thuận lợi. Ðường bộ có Quốc lộ 10 từ Hải Phòng sang qua phà Rừng, qua địa bàn huyện 14,5km. Quốc lộ 18 ngang qua hai xã phái bắc huyện 8,5km. Trong huyện có đường nối sang nối sang đảo Hoàng Tân, từ năm 1993 có đập đắp qua sông Bến Giang tạo nên đường liền. Dọc đảo Hà Nam có đường dài 20km, từ đầu năm 1999 đã khởi công xây dựng cây cầu lớn bắc qua sông Chanh, nối liền với thị trấn Quảng Yên và vùng Hà Bắc. Chỉ còn đường đến xã đảo Ðiền Công là cách trở, phải đi lại bằng thuyền. Ðường thuỷ có nhiều bến thuyền ở các xã ven sông ven biển. ở thị trấn Quảng Yên, bên sông Chanh có bến Ngự và bến tầu khách thuỷ đi các luồng Hải Phòng, Hòn Gai, Cát Hải.
Từ những điều kiện nói trên, Yên Hưng có tiềm năng kinh tế đa dạng thế mạnh trước hết của Yên Hưng là sản xuấtnông, lâm, ngư nghiệp. Yên Hưng từ cổ xưa đến nay, nổi tiếng về truyền thống đắp đê, đắp đập khoanh vùng mở rộng địa bàn cư trú và diện tích canh tác. Có công trình thuỷ lợi Yên Lập không những chỉ vùng Hà Bắc mà cả đảo Hà Nam ( có ống xi-phong dẫn nước qua sông Chanh) có nước ngọt, mùa vụ và năng suất không ngừng tăng. Ngoài lương thực Yên Hưng còn sản xuất nhiều rau quả thực phẩm cung cấp cho nhu cầu rất lớn của khu công nghiệp và du lịch Bãi Cháy, Hòn Gai, Cẩm Phả. Yên Hưng cũng là huyện dẫn đầu tỉnh về nuôi trồng thuỷ sản ven bờ (tôm, cá, cua, rau câu). Phần lớn thuỷ sản được chế biến xuất khẩu đã là nguồn thu đáng kể của kinh tế huyện. Nghề đánh bắt hải sản có truyền thống lâu đời song chủ yếu là khai thác ven bờ, nay đang đóng thuyền lớn mở hướng ra khơi xa.
Yên Hưng xưa có Nhà máy kẽm xây dựng năm 1924 đã ngừng sản xuất do ảnh hưởng của Ðại chiến II, Yên Hưng phát triển khá mạnh tiểu thủ công nghiệp với các nghề sản xuất gạch ngói, đóng thuyền, làm đồ mộc, đan mây tre, thêu ren, sảm xiất sàm sứ, chế biến thuỷ sản.
Yên Hưng có truyền thống về thương mại. Từ lâu đời, Yên Hưng đã có những đoàn thuyền vận tải hàng hoá và trong hơn 100 năm thị xã Quảng Yên có nhiều nhà buôn bán lớn. Nay Quảng Yên có rất nhiều chợ, lớn nhất là chợ Rừng (Thị trấn ), chợ Rộc (Tiền An), chợ Cốc (Phong Cốc), chợ Ðông Thành (giữa 2 xã Ðông Mai-Minh Thành). Phần lớn các xã đều có chợ nhở, chợ nhỏ chỉ họp buổi chiều, chủ yếu chỉ mua bán hải sản. Với tiềm năng nhiều mặt và thế mạnh là truyền thống lao động cần cù, Yên Hưng là một huyện không ngừng phát triển. Cùng với khai hoang, các khu dân cư mới định hình và luôn mở thêm những làng xóm mới. Do đất đai rộng nên một phần rất lớn đất đai Yên Hưng đã tách ra thành lập thị xã Uông Bí… (đó là tổng Bí Giàng nguyên thuộc huyện Ðông Triều (cắt về huyện Yên Hưng năm 1896) và các xã khác cuả huyện Yên Hưng), các xã Vạn Nho, Yên Cư cắt về huyện Hoành Bồ. Nay toàn huyện có 20 đơn vị hành chính gồm thị trấn Quảng Yên và 19 xã : Minh Thành, Ðông Mai, Cộng Hoà, Tiền An, Hà An, Yên Giang, Hiệp Hoà, Sông Khoai (khu Hà Bắc), Hoàng Tân, Ðiền Công (xã đảo) và Nam Hoà, Yên Hải, Phong Cốc, Cẩm La, Phong Hải, Liên Hoà, Liên Vị, Tiền Phong (khu Hà Nam).
Yên Hưng là vùng đất có lịch sử và văn hoá đặc sắc. Trên đảo Hoàng Tân đã phát hiện những di chỉ thời tiên sử. Bên cạnh di chỉ thời đồ đá mới thuộc Văn hoá Hạ Long, ở đây còn có di tích những bến thuyền cổ, những công cụ đồ đồng đồ gốm thời đại Hùng Vương. Như vậy là từ dăm bảy nghìn năm trước đến nay, con người đã liên tục cư ngụ và khai phá vùng đất này. Vùng Hà Bắc có người ở sớm hơn, sát bờ bắc sông Bạch Ðằng- ngay chỗ thị trấn Quảng Yên xưa là rừng rậm. đây có làng Rừng và các địa danh sông Rừng, đò Rừng, chùa Rừng, giếng Rừng, chợ Rừng là vì vậy. Vùng đảo Hà Nam có người ở từ thời Lý, 17 vị ở ngoại ô Thăng Long ra và 2 vị từ sông Trà Lý đến đã dũng cảm trụ lại giữa mênh mông trời nước, đời sau nhớ ơn tôn là các vị Tiên Công và lập miếu thờ. Các làng phía thấp hơn nối tiếp được khai phá. Cộng lại các vị Tiên Công ở hòn đảo này lên tới 24.
Ðến thời Trần, từ trại An Hưng đã thành huyện An Hưng. Thời thuộc Minh đổi là huyện An Hoà. Lúc đó ở phía bắc có huyện An Lập. Năm Vĩnh Lạc thứ 13 (1415), hai huyện hợp nhất, lấy lại tên An Hưng. Thời Lê Trịnh năm 1709 (vì kỵ huỷ, chúa Trịnh Cương được phong tước An Ðô Vương) An Hưng đổi thành Yên Hưng. Huyện Yên Hưng thuộc trấn Yên Quảng. Ðầu thời Nguyễn, năm 1805 trấn lỵ Yên Quảng dời từ huyện Kim Thành về đây. Năm 1822 trấn Yên Quảng đổi thành trấn Quảng Yên, Năm 1831 chuyển thành tỉnh Quảng Yên. Từ đó cho đến suốt thời thuộc Pháp và cả trong kháng chiến chống Pháp, thị xã Quảng Yên vừa là huyện lỵ Yên Hưng vừa là tỉnh lỵ Quảng Yên. Trong hơn một trăm năm là trung tâm chính trị của tỉnh, đô thị Quảng Yên còn thành một trung tâm thương mại. Sau ngày thành lập khu Hồng Quảng và sau này Hồng Quảng với Hải Ninh hợp nhất thành tỉnh Quảng Ninh, trung tâm chính trị văn hoá của tỉnh chuyển về Hòn Gai, đô thị Quảng Yên bớt sầm uất và trở thành một thị xã yên bình với không khí trong lành (Viện điêù dưỡng cán bộ Miền Nam và bệnh viện Ðông Y của tỉnh đã nhiều năm đặt tại đây ).
Yên Hưng là nơi đã diễn ra các chiến công lẫy lừng trong lịch sử dân tộc : Ngô Quyền đại phá quân Nam Hán năm 939, Lê Ðại Hành đại phá quân Tống năm 981, Trần Hưng Ðạo đại thắng quân Nguyên Mông năm 1288. Yên Hưng là cửa ngõ ra vùng biển đông bắc hiểm yếu nên nhiều cuộc khởi nghĩa chống triều đình và nội chiến thời phong kiến còn ghi dấu ở đây ( Ðầm nhà Mạc thời chiến tranh Trịnh-Mạc. Các cuộc khởi nghĩa của Lê Ngã, Trần Cao, Nguyễn Hữu Cầu …). Ðầu thời Nguyễn, Yên Hưng là nơi đầu sóng ngọn gió chống chọi các toán giặc bể, lớn nhất là giặc Tạ Văn Phụng (quan đại thần Trương Quốc Dụng và Văn Ðức Giai đã hy sinh ở Tiền An).
Pháp tiến quân chiếm tỉnh lỵ Quảng Yên giữa tháng 3 năm 1883. Trên vùng núi Yên Tử, các sĩ quan phong trào Cần Vương Ðốc Tít (1885), Lưu Kỳ (1891) lập căn cứ kiến cường chống Pháp. Năm 1925, nhân dân tẩy chay làm thất bại ” Hội Gia Long khai sang ” do tuần phủ Quảng Yên, tay sai Pháp tổ chức. Tháng 3-1940 chi bộ Ðảng Cộng sản đầu tiên của Quảng Yên được thành lập. Trong cao trào cách mạng tiền khởi nghĩa, ngày 20-7-1945, quân du kích Ðệ tứ Chiến khu đã chớp thời cơ chiếm thị xã Quảng Yên, buộc Tỉnh trưởng đầu hàng, thu hồi hàng trăm khẩu súng. Ðây là chiến thắng lớn và Quảng Yên là tỉnh lỵ đầu tiên trong cả nước được giải phóng. Ngày 2-7-1945 đã có mít tinh chào mừng thắng lợi. Ngày 22-8-1945 chính quyền cách mạng tỉnh Quảng Yên và huyện Yên Hưng chính thức thành lập. Tháng 2 năm 1947 Pháp tái chiếm Quảng Yên và lần lượt nhiều nơi trong huyện Yên Hưng. Pháp ra sức xây dựng Quảng Yên thành một căn cứ quân sự và Yên Hưng là vành đai bảo vệ Hải Phòng nên chúng xây dựng đồn bốt dày đặc và lập nhiều làng tề. Nhân dân Yên Hưng kiên cường kháng chiến, lập nhiều chiến công, nhiều tấm gương hy sinh lẫm liệt, tiêu biểu là chị Minh Hà, cán bộ phụ nữ của tỉnh. Sau hiệp định Ginêve, Yên Hưng là vùng tập kết 300 ngày. Ngày 22-4-1955 tên lính Pháp cuối cùng rút khỏi Yên Hưng. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Yên Hưng có 17.000 thanh niên nhập ngũ. Dân quân Yên Hưng đã cùng lực lượng quân đội bắn rơi 37 máy bay Mỹ.
Yên Hưng có nền văn hoá dân gian đặc sắc. Hội miếu Tiên Công hàng năm diễn ra ngày 7 tháng Giêng có nhiều cuộc thi và trò chơi, đặc biệt là có tục rước các cụ tròn 80 tuổi ra lễ các cụ Tiên Công rồi các cụ đào đất đắp đê, đánh vật tượng trưng cho ý chí và sức lực khai canh mở đất. Một số làng xã có hội thi bơi thuyền, hát đúm. Từ năm 1998, Yên Hưng còn tổ chức Lễ hội Bạch Ðằng tại đền thờ Trần Hưng Ðạo và miếu Vua Bà ( thờ bà hàng nước có công chỉ cho Trần Hưng Ðạo mức thuỷ triều để Người lập trận địa cọc). Yên Hưng cũng là đất hát chèo và hát giao duyên của dân chài (dân địa phương gọi là hát véo, hát gái, hát chèo đường).
Trong dân gian còn lưu truyền nhiều ca dao, tục ngữ, vè, truyện cổ. Yên Hưng có nhiều đình, chùa, miếu, đền, nghè, văn chỉ, từ đường, năm 1996 kiểm kê còn 190 di tích lịch sử văn hoá (nhiều nhất tỉnh). Trong đó, nhiều di tích đã được Bộ Văn hoá liệt hạng. Ðình Phong Cốc (22-3-1988), miếu Tiên Công (9-1-1990), Ðình Lưu Khê (16-1-1991), đền Trần Hưng Ðạo, miếu Vua Bà (21-1-1989), đình Yên Giang (13-2-1996), đình Trung Bản (30-8-1991), đền Trung Cốc (13-2-1996). ở thị trấn Quảng Yên còn 2 cây lim Giếng Rừng, dấu vết của rừng lim nơi đã lấy gỗ làm cọc Bạch Ðằng. Trên cánh đồng Yên Giang và cánh đồng Vạn Muối xã Nam Hoà còn những bãi cọc thời Trần.
Trên đất Yên Hưng còn có di tích thành nhà Mạc trên núi Vũ Tướng và thành nhà Nguyễn xây thời Minh Mạng (1826). Yên Hưng đã xây dựng nhà bảo tàng huyện khang trang từ sớm. Hầu hết dân Yên Hưng theo đạo phật. Riêng xã Yên Trì nay là xã Hiệp Hoà là xã Công giáo toàn tòng từ đầu thế ký XIX, có nhà thờ chính xứ xây năm 1910 và 4 nhà thờ họ đạo.
Yên Hưng có truyền thống về giáo dục. Trường học công lập đầu tiên của tỉnh là ở Quảng Yên có từ đầu thế kỷ XIX. Dân đảo Hà Nam vẫn tự hào là nhiều vị Tiên Công xuất thân là giám sinh Quốc tử giám. Nhiều xã xây văn chỉ thờ Khổng Tử và có bia ghi tên người trong xã đỗ đạt. Thời Nguyễn có nhiều người đỗ cử nhân, hương công. Hương ước các làng rất khuyến khích việc học tập. Nay ở Yên Hưng có 3 trường Trung học, xã nào cũng có trường PTCS. ở vùng trung tâm đảo Hà Nam còn có truyền thống hội hoạ. Hàng chục người là hoạ sĩ có tên tuổi.
MT